Sức ép đang gia tăng lên CHDCND Triều Tiên sau khi các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo chỉ trích các “tội ác chống lại loài người” tại quốc gia này hôm 17-2.
Chưa từng có tiền lệ
Báo cáo dài 372 trang nói trên là kết quả cuộc điều tra kéo dài gần 1 năm của Ủy ban điều tra về nhân quyền ở Triều Tiên, do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lập ra vào tháng 3-2013.
Dựa trên thông tin của hơn 100 nạn nhân, nhân chứng và chuyên gia về Triều Tiên, báo cáo kết luận chế độ Bình Nhưỡng đã tước bỏ “quyền tự do ngôn luận, suy nghĩ, tôn giáo” của người dân; đồng thời bắt cóc công dân Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong số những tội ác nghiêm trọng nhằm vào dân thường mà báo cáo liệt kê gồm có hành quyết, tra tấn, bỏ tù, cưỡng hiếp, nô lệ hóa, tấn công tình dục, buộc phá thai… Một phụ nữ tên Kim Young-soon kể phải ở trong trại cải tạo Yodok 9 năm cùng với cha mẹ và 4 đứa con vì lỡ đồn đại về chuyện tình cảm của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il. “Tôi có thể đáng tội nhưng cả nhà tôi chả có tội tình gì. Vậy mà tất cả họ đều chết đói trong trại” - bà nói.
Đói khát khiến nhiều tù nhân phải nhét vào bụng từ sâu, rắn đến cỏ, sỏi tìm được trên cánh đồng. “Thật có lỗi khi nói rằng chúng tôi đã quá quen với việc chứng kiến người chết, đến nỗi không còn cảm giác gì. Thậm chí chúng tôi còn lột quần áo người chết để mặc. Người sống phải tiếp tục sống, người chết dù sao cũng chết rồi” - một phụ nữ kể lại.
Giới lãnh đạo Triều Tiên bị đề nghị đưa ra tòa án quốc tế vì những tội ác chống lại loài người
Ảnh: Reuters
Trái ngược hoàn toàn với nỗi khốn cùng trên, báo cáo lên án “sự xa xỉ thái quá” dưới thời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo thống kê, Triều Tiên chi tới 645,8 triệu USD cho hàng hóa xa xỉ trong năm 2012, cao gấp đôi mức bình quân 300 triệu USD dưới thời ông Kim Jong-il.
Báo cáo nhấn mạnh: “Các định chế và quan chức Triều Tiên đã và đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, có hệ thống. Trong nhiều trường hợp, những sai phạm này không khác gì tội ác chống lại loài người. Mức độ nghiêm trọng, quy mô và bản chất của những sai phạm này chưa từng có tiền lệ trong thế giới hiện đại”.
Đưa ra tòa án quốc tế
Theo Reuters, nhóm điều tra đã khuyến nghị Liên Hiệp Quốc trừng phạt cũng như đưa ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) những quan chức dân sự và quân sự bị nghi phạm phải những tội ác tồi tệ nhất. Đặc biệt, trong lá thư gửi ông Kim Jong-un hôm 20-1 vừa qua, ông Michael Kirby - chủ tịch ủy ban điều tra nói trên - cảnh báo cá nhân nhà lãnh đạo trẻ này có thể đối mặt với công lý.
Bình Nhưỡng lập tức phủ nhận “dứt khoát và toàn bộ” bản báo cáo, coi các bằng chứng trưng ra là “sản phẩm bịa đặt của các thế lực thù địch”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ứng tới cùng các nỗ lực thay đổi chế độ và gây sức ép dưới chiêu bài bảo vệ nhân quyền” - phái đoàn ngoại giao Triều Tiên tại Geneva - Thụy Sĩ nêu rõ.
Mỹ và Hàn Quốc hoan nghênh báo cáo trên, hy vọng sẽ mở ra cánh cửa để thế giới hiểu hơn về Triều Tiên. Ngược lại, Trung Quốc khẳng định sẽ phản đối mọi ý định đưa các nhà lãnh đạo Triều Tiên ra xét xử tại ICC. “Các vấn đề liên quan đến nhân quyền cần được giải quyết thông qua đối thoại trên cơ sở bình đẳng. Việc gửi báo cáo này đến ICC không giúp ích gì” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết.
Quan chức này cũng bác bỏ “chỉ trích vô lý” của báo cáo rằng Bắc Kinh có thể đã tiếp tay cho Bình Nhưỡng bằng cách trả lại người di cư và người đào tẩu.
Thêm quan chức bị xử tử?
Hãng tin Yonhap hôm 18-2 đưa tin Bí thư Thành ủy Bình Nhưỡng, ông Mun Kyong-dok, có thể đã bị xử tử. Lần cuối cùng ông Mun xuất hiện công khai là tại cuộc diễu binh trên Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng hôm 6-1. Một số ý kiến cho rằng sự biến mất của ông Mun liên quan tới vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek. Ông Mun từng là cấp dưới của ông Jang khi ông này còn lãnh đạo Ủy ban Thanh niên của Đảng Lao động Triều Tiên.
Bình luận (0)