Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, một quan chức cấp cao cơ quan hàng không và vũ trụ của Triều Tiên cho biết lệnh trừng phạt quốc tế sẽ không cản được nước này phóng thêm nhiều vệ tinh trước năm 2020. Hơn nữa, ông ta hy vọng sẽ nhìn thấy lá cờ Triều Tiên trên mặt trăng trong vòng 10 năm tới.
“Mặc dù Mỹ và các nước đồng minh của họ đang nỗ lực ngăn sự phát triển về không gian của Triều Tiên, các nhà khoa học của chúng tôi sẽ chinh phục không gian và chắc chắn sẽ cắm lá cờ Triều Tiên trên mặt trăng” - ông Hyon Kwang Il, Giám đốc bộ phận nghiên cứu khoa học của Cục Quản lý Phát triển hàng không vũ trụ quốc gia của Triều Tiên, tuyên bố.
Ông Hyon Kwang Il. Ảnh: AP
Ông Hyon cho biết kế hoạch 5 năm hiện nay, theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tập trung vào việc phóng thêm nhiều vệ tinh quan sát trái đất. Để thực hiện mục tiêu này, ông cho biết các trường đại học của Triều Tiên đang mở rộng chương trình đào tạo các nhà khoa học tên lửa.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch phát triển vệ tinh quan sát trái đất và khắc phục các vấn đề viễn thông bằng cách phát triển vệ tinh tĩnh địa. Tất cả công việc này sẽ làm nền tảng cho chuyến bay đến mặt trăng” - ông Hyon tiết lộ, đồng thời cho biết bản thân ông rất mong muốn chứng kiến điều này xảy ra trong vòng 10 năm tới.
Triều Tiên đã đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực hàng không không gian. Vệ tinh mới nhất của Triều Tiên có tên Kwangmyongsong 4, hay Brilliant Star 4, được phóng lên quỹ đạo ngày 7-2-2016, đúng một tháng sau cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên của nước này.
Liên tiếp phóng tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã phải nhận lệnh trừng phạt mà ông Hyon khẳng định là “nực cười”.
“Triều Tiên bắt đầu hoàn thành mục tiêu và chúng tôi đã đạt được nhiều thành công. Bất kể các quốc gia khác nghĩ gì, Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng nhiều vệ tinh hơn nữa” – ông Hyon nói thêm.
Vệ tinh Kwangmyongsong 4. Ảnh: AP
Ông Hyon cũng tiết lộ mục tiêu lâu dài của Triều Tiên là sử dụng vệ tinh để cung cấp dữ liệu cho trồng trọt, lâm nghiệp và cải thiện thông tin liên lạc. Triều Tiên cũng dự định “thực hiện các chuyến bay có người lái vào không gian, thực hiện thí nghiệm khoa học trong không gian, bay lên mặt trăng, khám phá mặt trăng và các hành tinh”.
Hiện tại, Triều Tiên có 2 vệ tinh trong quỹ đạo, KMS-3-2 và KMS-4. Triều Tiên đưa vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo năm 2012, một thành tựu mà rất ít quốc gia đạt được. Ông Hyon cũng tiết lộ KMS-4 đã hoàn thành 2.513 quỹ đạo bay và chỉ 1 ngày sau khi được phóng lên, KMS-4 đã gửi về 700 bức ảnh.
Ông Hyon khẳng định KMS-4 vẫn hoạt động tốt và đều đặn gửi dữ liệu về mặt đất mỗi khi bay qua Triều Tiên, khoảng 4 lần/ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế vẫn chưa xác định tính xác thực của thông tin trên.
“Không có chứng cứ cho thấy KMS-4 gửi dữ liệu về mặt đất nhưng cũng không có chứng cứ cho thấy KMS-4 không gửi dữ liệu” - nhà thiên văn Jonathan McDowell của Đài quan sát Thiên văn Harvard-Smithsonian ở Cambridge (Mỹ) cho biết.
Ông McDowell cũng không bác khả năng Triều Tiên thực hiện được tham vọng chinh phục mặt trăng trong 10 năm tới.
Một diễn biến khác, hôm 4-8, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp với các các thành viên quân đội nhân dân Triều Tiên (PKA) nhằm tăng cường kỷ luật quân đội. Trong bài phát biểu của mình, ông Kim nhấn mạnh sẽ nỗ lực củng cố quân đội ở các khía cạnh chính trị, tư tưởng và đạo đức.
Bình luận (0)