Trang NK Daily (Hàn Quốc) tiết lộ: "Ông Kim Jong-un vừa ban hành lệnh xem người sử dụng điện thoại di động của Trung Quốc cũng giống như những kẻ phản bội cấu kết với Hàn Quốc".
Cũng theo trang trên, các đặc vụ Triều Tiên đang ra sức nghe lén các cuộc điện thoại di động được thực hiện tại khu vực biên giới Trung Quốc 24 giờ/ngày bằng các thiết bị nghe lén, xe tải quân sự và xe máy.
Bầu không khí ở khu vực biên giới đang vô cùng căng thẳng khi cơ quan an ninh liên tục đe dọa những người gọi điện qua Hàn Quốc. Triều Tiên từng ban hành lệnh cấm tương tự nhằm xoá bỏ triệt để việc sử dụng điện thoại di động Trung Quốc trong tháng 1-2014.
Lãnh đạo Kim Jong-un viếng thăm một nông trại. Ảnh: Reuters
Triều Tiên hôm 27-5 đe dọa trả đũa sau khi Hàn Quốc bắn cảnh báo 2 tàu Triều Tiên. Bình Nhưỡng tố ngược chính hải quân Hàn Quốc mới xâm nhập vùng biển của họ và tuyên bố sẽ bắn không cảnh báo bất cứ tàu thuyền nào xâm phạm lãnh hải.
Ngoài ra, Triều Tiên mới đây cũng ban hành cuộc “động viên nông nghiệp” kéo dài 1 tháng, buộc sinh viên cả nước phải làm việc tại các nông trại trong suốt mùa gieo trồng.
“Cuộc chiến trồng lúa” này tiếp nối "cuộc chiến 70 ngày" tăng gia sản xuất được ban hành trước Đại hội Đảng Lao động diễn ra hồi tháng 5.
Mệnh lệnh trên đã gây gián đoạn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của sinh viên. Thậm chí, nhiều bản báo cáo còn khẳng định hàng loạt trường đại học phải đóng cửa trong thời gian diễn ra cuộc “vận động nông nghiệp”.
“Học sinh trong tỉnh chúng tôi được đưa tới những vùng nông nghiệp như huyện Koksan và Yonsan. Trong "cuộc chiến 70 ngày", sinh viên đã phải gieo hạt và nhổ cỏ. Nay họ lại phải đến nông trại vì cuộc "vận động nông nghiệp” – nguồn tin từ tỉnh Bắc Hwanghae cho biết.
Cũng theo nguồn tin này, nhiều sinh viên thắc mắc nếu những “cuộc chiến” như thế này cứ tiếp diễn thì đến bao giờ các em mới có thời gian học.
Cuộc “động viên nông nghiệp” này khiến nhiều người đặt câu hỏi bởi trước đây, lãnh đạo Kim Jong-un thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục. Ông từng ví các đại học là “nền tảng tương lai của quốc gia, một trong những trụ cột chính của xã hội và là nơi sản sinh ra các nhà lãnh đạo”.
“Thời gian sinh viên làm việc ở các trang trại còn nhiều hơn thời gian họ đến lớp hoặc nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh như hiện tại, rất khó để các trường đại học hiện thực hoá mong muốn đào tạo được những sinh viên lừng lẫy với khả năng công nghệ như lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh” – một nguồn tin ở tỉnh Nam Hwanghae quan ngại.
Theo một số nguồn tin, những sinh viên có điều kiện có thể hối lộ thầy giáo để không phải “nai lưng” trên đồng với mức phí là 100 USD/người. "Ai không có tiền hối lộ thì vẫn phải trả học phí nhưng trên thực tế lại ra đồng thay vì đến trường" - nguồn tin nói.
Bình luận (0)