Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên đã cho thấy những tiến bộ nhất định sau vụ phóng mới nhất hôm 24-8.
THAAD bó tay?
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC), vụ phóng diễn ra gần TP cảng Sinpo và tên lửa bay được khoảng 500 km, đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản trước khi rơi xuống biển. JSC nhận xét vụ phóng SLBM lần này cho thấy “sự tiến bộ” so với những lần phóng tương tự trước đó. Triều Tiên lần đầu phóng SLBM vào cuối năm 2014 nhưng tên lửa chỉ bay được vài km. Lần phóng gần đây nhất hồi tháng 7 thất bại ngay từ đầu.
Ngoài ra, hồi tháng 6, Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa từ bệ phóng di động trên đất liền. Kết quả vụ thử này, cộng với tiến bộ của vụ phóng SLBM mới nhất nói trên, đã nêu bật mối đe dọa mới đến từ Triều Tiên: Cả hai loại tên lửa này đều khó bị phát hiện và phá hủy trước khi được phóng.
Quân đội Hàn Quốc dự báo Triều Tiên có thể triển khai SLBM cho mục đích chiến đấu trong 2-3 năm nữa. Tuy nhiên, sau vụ phóng hôm 24-8, một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể đẩy nhanh việc triển khai này, sớm nhất là vào năm 2017. Hồi tháng 7, Hàn Quốc và Mỹ quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc vào cuối năm 2017 để đối phó mối đe dọa hạt nhân, tên lửa từ Triều Tiên. Dù vậy, giới phân tích nhận định nếu Triều Tiên phóng thành công SLBM, sẽ không dễ để THAAD đánh chặn bởi tên lửa có thể được phóng từ dưới biển tại bất kỳ nơi nào gần Hàn Quốc.
Quốc tế chỉ trích
Theo JCS, vụ phóng SLBM mới nhất của Triều Tiên dường như nhằm đáp lại cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc bắt đầu 2 ngày trước. Cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” kéo dài 2 tuần, có sự tham gia của 75.000 binh sĩ hai nước. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc hôm 24-8 cho biết Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ja Song-nam đã gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó lên án cuộc tập trận đang đẩy bán đảo tới “bờ vực của chiến tranh”. Tuy nhiên, cả Seoul và Washington đều bác bỏ cáo buộc này.
Cũng như mọi khi, cộng đồng quốc tế nhanh chóng lên án vụ phóng ngày 24-8. Seoul thúc giục Bình Nhưỡng lập tức chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa trong khi quân đội Hàn Quốc cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ và cứng rắn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng gọi vụ phóng là “hành động không thể dung thứ”, đe dọa nghiêm trọng an ninh Nhật Bản cũng như hòa bình và ổn định khu vực. Riêng Mỹ tuyên bố sẽ đưa “hành động khiêu khích” mới nhất của Triều Tiên ra LHQ. Ngay cả Trung Quốc, được xem là đồng minh chính của Triều Tiên, cũng phản đối chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cũng như bất kỳ lời nói, hành động nào gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Vụ phóng SLBM nói trên cũng phủ bóng Hội nghị Ngoại trưởng Nhật - Trung - Hàn diễn ra tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 24-8, nơi chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên là một nội dung thảo luận quan trọng. Tại cuộc họp báo chung cùng ngày, ngoại trưởng 3 nước cùng nhau kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt khiêu khích. Nhân dịp này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không quên lặp lại yêu cầu Hàn Quốc hủy bỏ việc triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên.
Tình hình khu vực phức tạp
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng tăng nhiệt nhưng đối với Bình Nhưỡng, đó lại là thành công trong khi nước này đặt hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ vào thế đối đầu.
Tình hình khu vực trở nên phức tạp hơn trong những tuần gần đây sau khi Hàn Quốc - Mỹ nhất trí triển khai THAAD trên đất Hàn Quốc. Cả hai quốc gia kỳ vọng hệ thống chống tên lửa đạn đạo này sẽ khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “chùn tay”. Tuy nhiên, thỏa thuận này vấp phải phản ứng giận dữ từ Trung Quốc - quốc gia xem THAAD là mối đe dọa an ninh.
“Điều thực sự ẩn sâu dưới những diễn biến này là một trò chơi chính trị thâm hiểm. Bằng cách khiêu khích Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên đang khoét sâu khoảng cách giữa hai nước này và Trung Quốc. Đó thực sự là một nước cờ ngoại giao khôn ngoan của nhà lãnh đạo họ Kim” - chuyên gia Stephan Haggard, Giám đốc chương trình Hàn Quốc - Thái Bình Dương thuộc Trường ĐH California San Diego (Mỹ), nhận định với đài CNBC.
Vào đầu tuần này, Mỹ và Hàn Quốc còn bắt đầu cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi”, với việc lần đầu tiên sử dụng các hệ thống GPS và máy bay quân sự từ hai nước. Cuộc tập trận này, cũng như kế hoạch triển khai THAAD, diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang ngày càng hết kiên nhẫn khi thấy Trung Quốc không mặn mà kiềm chế đồng minh Triều Tiên. “Đối với Mỹ và Hàn Quốc, phản ứng của Trung Quốc trước các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên có vẻ hời hợt. Nỗi lo càng lớn hơn khi cùng với sự gia tăng của các vụ thử, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển năng lực trên mặt trận tên lửa và gắn kết nó với chương trình hạt nhân, từ đó đe dọa gây bất ổn bán đảo Triều Tiên và cả khu vực” - ông Haggard phân tích. Thu Hằng
Bình luận (0)