Một mặt đe dọa sẽ cho Mỹ “nếm hậu quả ngoài sức tưởng tượng”, mặt khác Ngoại trưởng Ri Yong-ho khẳng định Bình Nhưỡng “không còn lựa chọn ngoài nào khác ngoài hạt nhân” để tự bảo vệ trước “các mối đe dọa hạt nhân thường trực từ Mỹ”.
"Chỉ vài ngày trước, Mỹ lại đe dọa Triều Tiên bằng cách cho máy bay ném bom chiến lược B-1B bay qua đường ranh giới quân sự trên bán đảo Triều Tiên trước khi hạ cánh xuống Hàn Quốc” – ông Ri nhấn mạnh.
Chuyến bay trên được Lầu Năm Góc tiến hành hôm 21-9 nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vào tháng 10 tới, trong đó có nội dung tấn công cơ sở hạt nhân giả định.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho phát biểu hôm 23-9. Ảnh: Reuters
Hôm 22-9, phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cáo buộc Triều Tiên "nhạo báng Liên Hiệp Quốc" thông qua các cuộc thử hạt nhân và tên lửa. Theo ông, đã đến lúc xem lại tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc của Triều Tiên.
Từ đầu năm đến nay, theo đài CNN, Triều Tiên đã phóng thử tổng cộng 21 tên lửa đạn đạo, bao gồm phóng từ đất liền và từ tàu ngầm.
Nước này thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1 qua, sau đó thử tiếp lần 5 – cũng là lần mạnh nhất từ trước tới nay – vào ngày 9-9 nhân kỷ niệm quốc khánh. Mới tuần này, Triều Tiên lại công bố thử thành công động cơ tên lửa mạnh nhất của họ.
Những diễn biến này biến vấn đề Triều Tiên trở thành điểm nóng tại kỳ họp thường niên nói trên. Gặp gỡ bên lề hội nghị với ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á hôm 23-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Vấn đề Triều Tiên đang khiến cục diện Đông Bắc Á biến chuyển khi đưa 2 cựu thù Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau, đồng thời ép Trung Quốc phải kiềm chế đồng minh nhiều hơn. Dù vậy, không có bằng chứng cho thấy Triều Tiên sẽ chùn tay. Trên thực tế, các quan chức Mỹ và nhiều chuyên gia lo ngại Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân thêm lần nữa trong vòng tháng 10 tới.
"Từ góc nhìn của Triều Tiên, họ sẽ tiếp tục thử hạt nhân và phát triển vũ khí cho tới khi có một cuộc đối thoại chắc chắn với Mỹ. Với Triều Tiên, việc được công nhận là cường quốc hạt nhân rất quan trọng” – ông Alison Evans, chuyên gia tại công ty tư vấn toàn cầu HIS, nhận định.
Bình luận (0)