Đó là phát biểu đáng chú ý của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại ngày họp thứ hai của Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên hôm 7-5, được hãng thông tấn KCNA dẫn lại một ngày sau đó.
Không dừng lại ở phát biểu trên, ông Kim còn nhấn mạnh Triều Tiên “sẽ tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy phi hạt nhân hóa toàn cầu”.
Đối mặt sức ép của cộng đồng quốc tế sau vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết nước này sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với các nước từng “thù địch” với Bình Nhưỡng.
Ông cũng kêu gọi tiến hành thêm hội đàm với Hàn Quốc để giảm hiểu lầm và ngờ vực giữa hai bên, đồng thời thúc giục Mỹ tránh xa những vấn đề liên Triều. Theo Reuters, đề nghị này không có gì mới nhưng các cuộc hội đàm giữa quan chức hai miền Triều Tiên trước đó ít đạt tiến triển.
Mối quan hệ liên Triều thậm chí đã rơi xuống mức thấp kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1-2016. Vì thế, không có gì khó hiểu khi Seoul ngày 8-5 đã lên tiếng bác bỏ đề nghị đối thoại nêu trên của Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, một quan chức cấp cao Hàn Quốc giấu tên nói với hãng tin Yonhap rằng không có “thông điệp tích cực” nào được đưa ra từ những phát biểu của ông Kim. Theo quan chức này, những gì Triều Tiên muốn nói là “họ chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân khi toàn bộ thế giới cũng làm thế”.
Cũng tại đại hội đảng lần đầu tiên trong 36 năm này, ông Kim còn đưa ra chiến lược 5 năm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó nêu bật sự cần thiết phải cải thiện sinh kế của người dân và giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lượng điện.
Theo Reuters, kế hoạch kinh tế của ông Kim tập trung vào những lĩnh vực như cơ khí hóa nông nghiệp, tự động hóa nhà máy, tăng sản lượng than… nhưng không đưa ra mục tiêu cụ thể.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo này còn nhấn mạnh nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp kim loại và đường sắt và không che giấu tham vọng xuất khẩu vật liệu thô đi khắp thế giới bất chấp đất nước đang đối mặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 3-2016.
Tuy nhiên, giới phân tích nhìn chung cho rằng kế hoạch của nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn còn quá thiếu chi tiết cũng như không chứa đựng những cải cách sâu rộng. Bên cạnh đó, họ cảnh báo nền kinh tế Triều Tiên khó có thể phục hồi nếu các biện pháp trừng phạt nêu trên được duy trì trong thời gian dài.
Triều Tiên không công bố dữ liệu kinh tế nhưng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vào năm ngoái cho biết kinh tế nước láng giềng này tăng 1% năm 2014.
Bình luận (0)