Theo AP, Bình Nhưỡng cũng thúc giục Seoul từ bỏ "ảo tưởng phi lý" nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Trước đó, Hàn Quốc hy vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm sẽ giúp hồi sinh cuộc đối thoại liên Triều.
Các quan chức Seoul cho biết nước này dự kiến mua 40 tiêm kích F-35 từ Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) vào năm 2021. Hai chiếc đầu tiên đã được bàn giao hồi tháng 3, trong khi 2 chiếc khác sẽ đến Hàn Quốc trong vài tuần tới.
Một chiếc F-35 chuẩn bị đáp xuống căn cứ không quân Chungju ở Hàn Quốc hôm 11-7. Ảnh: AP
Kế hoạch bổ sung kho vũ khí được Hàn Quốc công bố vào năm 2014 để đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã thực hiện một loạt vụ thử nghiệm vũ khí bất thường và giảm dần kể từ năm ngoái khi đàm phán hạt nhân với Washington.
Hôm 11-7, một giám đốc nghiên cứu chính sách của Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết hợp đồng F-35 của Hàn Quốc nhằm mục đích "làm hài lòng Washington" dù Seoul "biết rõ đó là một hành động cực kỳ nguy hiểm làm gia tăng căng thẳng quân sự".
Quan chức này nói rằng Triều Tiên "không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển và thử nghiệm vũ khí đặc biệt để tiêu diệt hoàn toàn các vũ khí gây chết người đang được tăng cường bên phía Hàn Quốc".
Theo các quan chức Seoul, hợp đồng F-35 sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch và khoảng 10 trong số 40 chiếc sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.
Kim Dong-yub, nhà phân tích đến từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Seoul, nhận định tuyên bố hôm 11-7 cho thấy Triều Tiên có thể thực hiện một vụ thử tên lửa phòng không nhưng không phải là tên lửa đạn đạo bị cấm bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Bình luận (0)