Trung Quốc cảnh báo Mỹ và Triều Tiên có nguy cơ “đâm đầu vào nhau” trừ phi Triều Tiên ngưng phóng tên lửa bị cấm, còn Mỹ và Hàn Quốc thôi tập trận chung.
Trung - Hàn căng thẳng
“Hai bên giống như hai chuyến xe lửa đang tăng tốc lao về nhau, không bên nào muốn tránh đường. Vấn đề là hai bên có thực sự sẵn sàng cho một vụ đâm nhau hay không? Điều ưu tiên chúng tôi phải làm lúc này là bật đèn đỏ và ráp bộ thắng cho cả hai chuyến xe” - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ví von tại cuộc họp báo hôm 8-3.
Đông Bắc Á đang leo thang căng thẳng, liên quan đến vụ Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo bị cấm hôm 6-3. Một ngày sau đó, Mỹ xác nhận đã chở đến Hàn Quốc các thành phần đầu tiên của hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) - một vấn đề đang khiến quan hệ Seoul - Bắc Kinh xấu đi. Điều này được ông Vương tái khẳng định khi cho rằng THAAD là lựa chọn sai lầm và là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Hàn lúc này.
Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện những bước đi cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thì Tân Hoa Xã đi xa hơn, cho rằng THAAD sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử mới trong khu vực.
Nỗi lo của Trung Quốc là THAAD được trang bị loại radar X band mạnh mẽ có thể giám sát hoạt động tên lửa của nước này trong khu vực.
Tờ The New York Times dẫn lời một cựu quan chức Trung Quốc cao cấp nhận định Bắc Kinh còn lo ngại việc triển khai THAAD sẽ mở cửa cho một mạng lưới phòng thủ tên lửa rộng lớn hơn của Mỹ trong khu vực, có thể là tại Nhật Bản và Philippines. Mục tiêu khi đó của mạng lưới này không chỉ là Triều Tiên mà còn là một Trung Quốc đang trỗi dậy về quân sự.
Bắc Kinh sẽ có thêm dịp bày tỏ quan ngại về THAAD khi đón Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào tuần tới. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Tillerson nhiều khả năng thúc giục Bắc Kinh gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng, nhất là về kinh tế.
Song song đó, các trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy nhanh việc xem xét lại chiến lược đối phó mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, tất cả phương án đều được cân nhắc, như siết chặt lệnh trừng phạt Triều Tiên, đưa vũ khí hạt nhân trở lại Hàn Quốc, đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách những nước bị xem là tài trợ khủng bố… Ngay cả khả năng tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ tên lửa của Triều Tiên cũng được bàn đến.
Năng lực bị thử thách
Giới chức quốc phòng Mỹ lo lắng Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa tầm trung Pukguksong-2 mới. Đây là loại tên lửa được phóng thử lần đầu hôm 12-2 vừa qua. Chưa hết, Bình Nhưỡng có thể sắp thử nghiệm động cơ cho loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn xa hơn.
Theo kênh CBS News, việc sử dụng tên lửa di động đã giúp Triều Tiên cải thiện khả năng thực hiện các vụ thử khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ, như vụ phóng 4 tên lửa hôm 6-3.
Trong lúc khả năng tên lửa của Triều Tiên không ngừng được cải thiện thì năng lực của THAAD lại bị nghi ngờ, một phần vì nó chưa bao giờ được “thử lửa”.
Trang Business Insider dẫn lời các nhà phân tích cho rằng hệ thống này sẽ gặp khó trong việc đánh chặn nhiều tên lửa cùng lúc. Hầu hết chuyên gia tin rằng Triều Tiên sẽ phải bắn nhiều hơn 4 tên lửa cùng lúc nếu muốn áp đảo THAAD. Ông Michael Elleman, chuyên gia về rốc-két của Mỹ, cho rằng con số này có lẽ là 10.
Về lý thuyết, Triều Tiên có đủ bệ phóng để bắn ít nhất 36 tên lửa đạn đạo các loại cùng lúc - ông Joseph S. Bermudez, một cố vấn chiến lược tại Công ty Allsource Analysis (Mỹ), nhận định.
Để đối phó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã lắp đặt nhiều lớp phòng thủ tên lửa khác nhau để cùng phối hợp khi cần. Ngoài THAAD, Hàn Quốc còn vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3.
Trong khi đó, Nhật Bản đang nâng cấp PAC-3 và xem xét triển khai phiên bản trên bờ của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đang được sử dụng trên các tàu chiến Nhật.
Bình luận (0)