Tuy nhiên, trang Daily Beast thắc mắc tại sao Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho một vụ thử như thế vào tháng 5 nhưng phải đến hôm 9-9 mới tiến hành? Đó là do Triều Tiên đang nhận thấy có thể làm bất kỳ điều gì mà không sợ bị Trung Quốc trừng phạt nặng!
Theo lý giải của tờ báo, lúc này Bắc Kinh đang bất bình với Seoul nhiều hơn là Bình Nhưỡng. Trung Quốc lo ngại kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể giúp Washington bắn hạ tên lửa mình.
Bốn ngày trước vụ thử hạt nhân, Triều Tiên phóng 3 tên lửa tầm trung ngay giữa ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại TP Hàng Châu - Trung Quốc. Vụ phóng diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bên lề hội nghị.
Thay vì nóng mặt với hành động “phá bĩnh” này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ hy vọng các bên liên quan tránh leo thang căng thẳng. Thậm chí, một ngày sau vụ phóng tên lửa, Bắc Kinh còn mở rộng cửa chào đón đặc phái viên hạt nhân Triều Tiên Choe Son Hui. Hiện chưa có thông tin về mục đích chuyến đi này nhưng theo Daily Beast, rõ ràng là Bình Nhưỡng không quá lo ngại về phản ứng của Bắc Kinh.
Người dân Triều Tiên đi ngang một màn hình lớn phát thông báo của chính phủ về vụ thử hạt nhân thứ 5 tại Bình Nhưỡng hôm 9-9. Ảnh: Reuters
Đối với châu Á, vụ thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên còn đồng nghĩa mối đe dọa của tên lửa hạt nhân đã trở thành hiện thực. Nó cũng đánh dấu nỗ lực củng cố quyền lực mới nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, vụ thử còn nhằm gây áp lực lên các nước, nhất là Mỹ, trong việc thay đổi lập trường. Washington cho đến giờ không đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng trừ khi quốc gia này chịu từ bỏ tham vọng hạt nhân.
“Trong nước, ông Kim Jong-un muốn thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đang chống lại Mỹ. Trên bình diện quốc tế, vụ thử nhằm chứng tỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên không hiệu quả. Họ đang thúc giục thế giới thừa nhận thất bại và điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên” - ông Yang Moo-jin, giáo sư tại Trường ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định với tờ The Washington Post.
Một số nhà phân tích cũng nhận định các biện pháp trừng phạt chưa hiệu quả. Dù vậy, nhiều khả năng cộng đồng quốc tế không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn ngoài việc tiếp tục trừng phạt hơn nữa. Ông Bruce Klingner, chuyên gia về Đông Bắc Á tại tổ chức Heritage Foundation (Mỹ), đánh giá các biện pháp trừng phạt mới là cần thiết và đòi hỏi thời gian để tác động lên tình hình tài chính của Triều Tiên. Cái khó ở đây, theo ông Klingner, là làm sao bảo đảm trừng phạt được thực thi hiệu quả - điều không dễ nếu không có sự ủng hộ của Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên.
Dù vậy, Reuters cho rằng Bắc Kinh khó có thể mạnh tay với Bình Nhưỡng, một phần vì ảnh hưởng bị hạn chế, một phần vì nước này tin rằng cả Washington và Seoul cũng phải chịu trách nhiệm cho tình trạng căng thẳng leo thang ở khu vực. Vì thế, một số chuyên gia cảnh báo Triều Tiên sẽ nhanh chóng tiến bộ trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân chừng nào Mỹ và phần còn lại của cộng đồng quốc tế chưa nhận ra vấn đề từ Trung Quốc cũng quan trọng không kém.
Bình luận (0)