Trước đó, vào ngày 20-11, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc là ông Tống Đào (Song Tao) kết thúc chuyến viếng thăm Triều Tiên 4 ngày.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ liệu ông Tống có gặp được nhà lãnh đạo Kim Jong-un hay không. Theo giới phân tích, động thái này cho thấy cuộc gặp gỡ đã không diễn ra.
South China Morning Post (SCMP) ngày 21-11 dẫn lời giới quan sát ngoại giao nói rằng nếu cuộc gặp gỡ nêu trên không diễn ra, quan hệ 2 nước có thể đã căng thẳng hơn.
Ông Tống Đào. Ảnh: AP
Ông Sun Xingjie, chuyên gia quan hệ quốc tế đến từ Trường ĐH Cát Lâm (Trung Quốc), nhận định việc ông Kim Jong-un không gặp gỡ ông Tống nếu được xác nhận sẽ là một tín hiệu rõ ràng cho thấy quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng đã chịu tổn hại không thể khắc phục được sau những động thái khiêu khích hạt nhân của Triều Tiên, vốn bị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả là một mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Quan hệ Trung -Triều diễn biến xấu trong năm nay kể từ khi Bắc Kinh tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại chống lại Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP
Giới phân tích nhận định mặc dù ông Tống gặp gỡ "cánh tay phải" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là ông Choe Ryong-hae, Phó Chủ tịch đảng Lao Động Triều Tiên, và quan chức ngoại giao hàng đầu của Bình Nhưỡng Ri Su-yong song việc ông Tống không gặp được ông Kim Jong-un sẽ là một dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng hạn chế của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, hôm 21-11 tiếp tục khẳng định ông không có thêm thông tin chi tiết về chuyến viếng thăm nêu trên. Ông Lục đã kêu gọi đàm phán để giải quyết khủng hoảng Triều Tiên sau khi Mỹ tuyên bố liệt Bình Nhưỡng vào danh sách tài trợ khủng bố.
Ông Tống Đào (phải) và ông Choe Ryong Hae. Ảnh: AP
Giới quan sát cho rằng chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của đặc phái viên Trung Quốc dường như không đạt được các thành tựu mong muốn trong việc phá vỡ bế tắc cũng như củng cố lòng tin giữa 2 nước liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Dù nhiều người cho rằng ông Tống không phải quan chức cao cấp trong đảng như các đặc phái viên Trung Quốc trước đó nhưng chuyện phớt lờ ông này sẽ làm mất mặt Bắc Kinh" - ông Sun nói và nhận định thêm chuyến đi cho thấy thế giới và cả Trung Quốc đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên.
"Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã đạt đến mức mà lợi ích cốt lõi của cả 2 nước đều gặp nguy hiểm và dường như không bên nào chịu nhượng bộ" - ông Sun kết luận.
Bình luận (0)