Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), Triều Tiên sở hữu nguồn khoáng sản ước tính trị giá 9.700 tỉ USD, gấp 20 lần so với Hàn Quốc.
"Chìa khóa" của tương lai
Viện Nghiên cứu nguồn tài nguyên Triều Tiên (NKRI, trụ sở tại Seoul) công bố con số này vào năm 2012 dựa trên giá trị thị trường của 18 loại khoáng sản chính ở Triều Tiên.
Nhiều công ty Trung Quốc đổ tiền vào các mỏ khoáng sản ở Triều Tiên, đặc biệt là tại huyện Musan sát biên giới hai nước Ảnh: REUTERS
Giới chức và các nhà phân tích Hàn Quốc khẳng định bên dưới những dãy núi phía Bắc bán đảo Triều Tiên là các mỏ khoáng sản khổng lồ, phần lớn vẫn chưa khai thác. Ngoài trữ lượng than đá dồi dào từ lâu đã được nhiều người biết tới, còn có nhiều loại đáng giá khác như sắt, vàng, quặng magiê, kẽm, đồng, đá vôi và molybdenum. Trữ lượng magiê của Triều Tiên đứng thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc trong khi mỏ kim loại cứng vonfram của nước này lớn thứ 6 hành tinh.
Gây nhiều sửng sốt hơn cả, theo nghiên cứu của Công ty SRE Minerals Limited (Anh), mỏ kim loại đất hiếm của Triều Tiên được phát hiện có trữ lượng 216 tấn, gấp 6 lần Trung Quốc - quốc gia từ lâu vẫn thống trị thị trường xuất khẩu đất hiếm trên toàn cầu với 90% thị phần. Được mệnh danh là "chìa khóa" cho sự phát triển của nền công nghiệp và tương lai thế giới, đây là nguyên liệu không thể thiếu trong các thiết bị công nghệ cao, từ điện thoại thông minh cho đến tên lửa.
Bình Nhưỡng chưa một lần mở lời về giá trị trữ lượng khoáng sản của mình. Những con số từ phía Hàn Quốc nêu trên có thể phản ánh chưa đầy đủ giá trị tài nguyên của Triều Tiên. Bởi báo cáo mới nhất của chuyên gia Lloyd Vasey - nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) - cho thấy Triều Tiên sở hữu tới 200 loại khoáng sản khác nhau với trữ lượng khổng lồ. Tuy vậy, dù giàu có về khoáng sản nhưng để có thể tận dụng "kho báu" chôn sâu trong lòng đất là cả một vấn đề đối với quốc gia bị cô lập nhất thế giới.
Khai thác quy mô lớn các loại khoáng sản nhằm phục vụ xuất khẩu đòi hỏi phải sở hữu cơ sở hạ tầng ngoài tầm với của một quốc gia hằng năm vẫn cần trợ giúp quốc tế vì nghèo đói. "Triều Tiên thiếu các thiết bị khai mỏ. Nước này không thể mua thiết bị mới bởi ngân sách eo hẹp, thiếu thốn năng lượng, trong khi lưới điện đã quá cũ nát" - ông Vasey nói.
Ông Vasey cũng tiết lộ hoạt động sản xuất khai mỏ của Triều Tiên hiện đã giảm khoảng 30% kể từ năm 1990.
Qua mặt lệnh trừng phạt
Với sự trợ giúp của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng đã cải tạo cơ sở hạ tầng lỗi thời từ thập kỷ trước, sửa chữa các cơ sở khai thác mỏ bị lũ lụt tàn phá giữa những năm 1990. Tuy nhiên, những khoáng sản khai thác được của Triều Tiên chủ yếu dành cho tài trợ nghiên cứu vũ khí, theo TS Leonid Petrov, giảng viên thỉnh giảng tại ĐHQG Úc về châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc vẫn duy trì thương mại ở Triều Tiên, chiếm hơn 80% giao dịch ngoại thương của đất nước này. Than đá vốn chiếm hơn 30% tổng sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên (theo số liệu năm 2015) và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc (LHQ), kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên trong quý I/2017 tăng tới 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên cũng tăng tới 54,5% trong quý vừa qua.
Hơn hết, nền kinh tế số 2 thế giới muốn giữ độc quyền về giao dịch kim loại đất hiếm với Triều Tiên. Trữ lượng đất hiếm dồi dào là một trong những lý do khiến Seoul muốn thu hẹp bất đồng chính trị với Bình Nhưỡng sau cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Nga hồi năm 2014 cũng phát triển kế hoạch đại tu mạng lưới đường sắt ở Triều Tiên để có thể tiếp cận với nguồn khoáng sản này.
Giới quan sát khẳng định lệnh trừng phạt của LHQ gây không ít khó dễ cho hoạt động xuất khẩu khoáng sản của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo trang Quartz (Mỹ), nước này đã nỗ lực không ngừng để tìm đường tiêu thụ nguồn tài nguyên dư dả. Hồi tháng 8-2016, giới chức trách Ai Cập đã thu giữ hơn 2.300 tấn quặng sắt từ tàu hàng Triều Tiên đang hướng về phía kênh đào Suez. Hơn 30.000 lựu đạn chống tăng RPG-7 được tìm giấu bên dưới số quặng sắt, đánh dấu đợt thu giữ đạn dược lớn nhất trong lịch sử trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Vụ bắt giữ phơi bày chiêu qua mặt lệnh trừng phạt của Triều Tiên cũng như hé lộ một mạng lưới ngầm buôn bán vũ khí và khoáng sản. Nó phần nào giải thích những bí ẩn về nguồn tài chính nuôi sống chương trình tên lửa đang phát triển như vũ bão và cũng ngốn tiền không kém. Từ đầu năm 2016 tới nay, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo nhiều hơn trong 27 năm cầm quyền của lãnh tụ Kim Nhật Thành và nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Tiền của Triều Tiên từ đâu tới?
"Kinh tế Triều Tiên cơ bản được vận hành bằng các thương vụ vũ khí" - chuyên gia phân tích hàng đầu của tổ chức Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) Anwita Basu cho biết thêm Bình Nhưỡng chủ yếu bán vũ khí cho các nước châu Phi. Trong khi đó, các nhà phân tích chính trị khác suy đoán Triều Tiên hợp tác với Iran về phát triển vũ khí hạt nhân.
Báo cáo từ Ban Chuyên gia của Hội đồng Bảo an LHQ hồi tháng 2 chỉ ra rằng Triều Tiên "tiếp tục bán vũ khí và các trang thiết bị liên quan, khai thác các thị trường và dịch vụ thu mua ở châu Á, châu Phi và Trung Đông". Chuyên gia Robert Manning từ tổ chức nghiên cứu quốc tế Atlantic Council (Mỹ), ngoại tệ của Triều Tiên còn đổ về từ lực lượng xuất khẩu lao động hùng hậu lên tới hàng chục ngàn người chủ yếu ở Trung Quốc và Nga. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang nghi ngờ Triều Tiên đứng sau vụ đánh cắp 81 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng trung ương Bangladesh tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York hồi năm 2016. Đây được coi là một trong những vụ đánh cắp tiền ngân hàng bằng công nghệ cao lớn nhất trong lịch sử.
Kỳ tới: Chương trình vũ khí lạ lùng
Bình luận (0)