Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Trương Lương, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược, cho biết hiện Triều Tiên tỏ ra tự tin hơn về sức mạnh của mình sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2, khiến họ tin rằng đủ sức chống lại liên quân Mỹ-Hàn Quốc.
Theo ông Trương, cùng với việc kêu gọi giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán hòa bình, lãnh đạo Trung Quốc cần sơ tán các doanh nghiệp khỏi Triều Tiên đề phòng trường hợp xấu nhất.
Hôm 8-4, tân Thủ tướng Pak Pong-ju tuyên bố quân dân Triều Tiên sẽ “ném bất kỳ kẻ xâm lược nào vào đống lửa” và sẽ giành chiến thắng nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh tấn công.
Tổng thống Nga Vladimir Putin “lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.
Ảnh: NATIONAL TURK
Trong khi đó, phát biểu trong chuyến viếng thăm Đức, Tổng thống Nga Putin “lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên” và “kêu gọi tất cả hãy kiềm chế, ngồi vào bàn đàm phán và bình tĩnh giải quyết”. Theo cách ví von của Tổng thống Nga, nếu xảy ra xung đột ở bán đảo Triều Tiên thì vụ Chernobyl “trở thành câu chuyện cổ tích của trẻ con”.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mỗi lúc một leo thang nghiêm trọng, Mỹ dường như có ý trông chờ vào Nga và Trung Quốc. Hôm 8-4, Washington lên tiếng hoan nghênh Moscow và Bắc Kinh can thiệp để Bình Nhưỡng ngừng đưa ra thêm những đe dọa.
Khác với Mỹ khá yên tâm trước đe dọa tấn công bằng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, Nhật Bản tỏ ra lo ngại thực sự vì nước này nằm trong tầm bắn của Bình Nhưỡng.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản sáng 9-4 đã triển khai một đơn vị tên lửa đánh chặn PAC-3 tại các khu vực Ichigaya thuộc Tokyo để sẵn sàng ứng phó trước dự đoán Bình Nhưỡng sẽ bắn tên lửa vào ngày 10-4. Song song đó, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật cũng triển khai các tàu khu trục lớp Aegis có khả năng đánh chặn tên lửa đến biển Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ giữ liên lạc mật thiết với các đồng minh để ứng phó với tên lửa Triều Tiên.
Một nhân viên an ninh Hàn Quốc điều khiển giao thông tại chốt chặn gần công nghiệp Kaesong hôm 8-4.
Ảnh: REUTERS
Trong một diễn biến khác, hãng tin Yonhap đưa tin công nhân Triều Tiên sáng 9-4 đã không đến khu công nghiệp Kaesong, một ngày sau khi Bình Nhưỡng loan báo rút hơn 53.000 công nhân ra khỏi Kaesong và đình chỉ hoạt động vô thời hạn.
Tuy nhiên, một quan chức Hàn Quốc chưa thể xác nhận thông tin trên, chỉ nói rằng chính phủ đang điều tra sự việc. Ước tính có khoảng 475 công nhân Hàn Quốc hiện lưu lại Kaesong.
Bình luận (0)