Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ "trả giá" nếu thật sự có hành động quân sự nhằm vào Seoul - vài giờ sau khi Bình Nhưỡng cho biết sẽ tái triển khai binh sĩ đến khu công nghiệp liên Triều tại thị trấn Kaesong và khu du lịch núi Kumgang, đồng thời khôi phục các chốt canh gác ở khu phi quân sự chia cắt hai miền và nối lại mọi hoạt động tập trận thường lệ gần biên giới.
Theo hãng tin Bloomberg, sau khi đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều hôm 16-6, sắp tới Triều Tiên có thể phá hủy thêm nhiều tòa nhà khác để gia tăng sức ép. Trong quá khứ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng đe dọa phá hủy các tòa nhà do Hàn Quốc xây dựng trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang trên đất Triều Tiên.
Văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn Kaesong - Triều Tiên nổ tung hôm 16-6 Ảnh: REUTERS
Căng thẳng hơn, Triều Tiên có thể vừa tăng tốc kho vũ khí tầm ngắn vừa hâm nóng chương trình tên lửa tầm xa. Kể từ năm 2019 đến nay, Triều Tiên đã thử nghiệm nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn khác nhau, có khả năng đánh trúng mọi nơi ở Hàn Quốc, bao gồm các căn cứ quân sự Mỹ. Dù vậy, theo báo Korea Herald (Hàn Quốc), nhiều khả năng Triều Tiên sẽ không phóng tên lửa tầm xa vì không muốn hứng chịu phản ứng mạnh từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Korea Herald còn nhận định Bình Nhưỡng đang tính toán rất kỹ, đồng nghĩa với việc nước này không đẩy tình hình đến mức rủi ro cao nhất là đụng độ quân sự, bởi làm vậy sẽ "đụng chạm" tới khoảng 28.000 lính Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc cộng với dàn khí tài có hỏa lực vượt trội. Chưa hết, theo Bloomberg, nếu gây chiến Triều Tiên sẽ chọc giận chính đồng minh chính trị và kinh tế lớn nhất của mình là Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng mục đích chính của Triều Tiên dường như là ép Hàn Quốc nối lại các dự án liên Triều để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, dù là người nỗ lực kéo gần khoảng cách giữa hai miền hơn ai hết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng không thể "vượt rào" các biện pháp trừng phạt quốc tế cũng như bỏ qua nguyên tắc của Washington: Hợp tác kinh tế liên Triều phải đi đôi với phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên.
Bình luận (0)