Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 29-7 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un "rất hài lòng" sau khi tên lửa Hwasong-14 đạt độ cao hơn 3.700 km, bay được gần 1.000 km trong vòng 47 phút trước khi rơi xuống vùng biển phía Tây đảo Hokkaido ở Nhật Bản trong vụ phóng đêm trước đó.
Mỹ, châu Âu vào tầm ngắm
Vụ thử diễn ra lúc 23 giờ 41 phút (giờ địa phương), tại tỉnh Jangang ở miền Bắc Triều Tiên, gần biên giới với Trung Quốc. Theo KCNA, vụ phóng đã chứng thực tầm bắn, khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn, công nghệ quay lại khí quyển... của tên lửa. KCNA còn dẫn lời ông Kim Jong-un khẳng định "toàn bộ nước Mỹ" nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Lầu Năm Góc và quân đội Hàn Quốc xác nhận loại tên lửa Triều Tiên thử là đạn đạo liên lục địa (ICBM). Các chuyên gia cho rằng tên lửa lần này bay xa hơn, cao hơn và mạnh hơn ICBM được phóng thử hôm 4-7, cũng tức là có khả năng đánh sâu hơn vào lục địa Mỹ. Theo chuyên gia David Wright, đồng Giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu của Liên đoàn Các nhà khoa học quan tâm (Mỹ), tính toán dựa trên dữ liệu phóng cho thấy tên lửa có tầm bắn tối thiểu khoảng 10.400 km, dễ dàng vươn tới Bờ Tây nước Mỹ cũng như nhiều thành phố lớn như Los Angeles, Denver, Chicago, New York...
Đáng lưu ý, dù châu Âu chưa từng bị đe dọa tấn công song theo báo Daily Mail (Anh), các phân tích mới chỉ ra London (Anh), Paris (Pháp), Berlin (Đức) và Rome (Ý) đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Người dân Triều Tiên xem tin tức về vụ phóng tên lửa ở Bình Nhưỡng hôm 29-7 Ảnh: REUTERS
Nhiều chuyên gia tin rằng Triều Tiên vẫn chưa thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đặt lên tên lửa tầm xa cũng như chưa chắc phóng chính xác vào mục tiêu. Tuy nhiên, theo BBC, nhiều chuyên gia khác tỏ ra kinh ngạc trước tốc độ phát triển của chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, đồng thời dự báo Bình Nhưỡng có thể tạo được vũ khí hạt nhân tấn công Mỹ trong vòng 5-10 năm nữa.
Trung Quốc "sợ" ông Donald Trump
Vụ thử ngày 28-7 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của Hàn Quốc trong thái độ với Triều Tiên. Trong cuộc họp báo ngày 29-7, Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo nói Seoul sẽ chuẩn bị các biện pháp độc lập để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Song song đó, ông kêu gọi Mỹ triển khai nhiều vũ khí chiến lược đến Hàn Quốc hơn, bao gồm máy bay ném bom tàng hình và tàu sân bay.
Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra lệnh giới chức nước này thảo luận với phía Mỹ về việc triển khai thêm các hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Suốt thời gian tranh cử cũng như 2 tháng nhậm chức, ông Moon theo đuổi lối tiếp cận mềm dẻo với Triều Tiên. Nhưng đáp lại những lời kêu gọi đàm phán của tổng thống Hàn Quốc là sự im lặng từ Bình Nhưỡng và... 2 vụ thử thành công ICBM trong vòng chưa đầy 1 tháng. Một số chuyên gia Hàn Quốc cho rằng từ chỗ chỉ trích chính sách cứng rắn của những người tiền nhiệm, ông Moon cuối cùng sẽ phải hành xử như vậy.
Thậm chí, những tiếng nói đòi phát triển vũ khí hạt nhân để cân bằng lực lượng với láng giềng thay vì phải dựa dẫm vào Mỹ đang tăng mạnh ở Hàn Quốc. Dưới áp lực của Mỹ, Hàn Quốc đã từ bỏ tham vọng hạt nhân vào năm 1975.
Bên cạnh việc tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh, như tuyên bố ngày 28-7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington quy trách nhiệm cho Bắc Kinh và Moscow. "Là những bên hỗ trợ tài chính giúp Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Trung Quốc cùng Nga phải chịu trách nhiệm đặc biệt về mối đe dọa ngày càng tăng đến ổn định khu vực và thế giới này" - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS - Mỹ), phỏng đoán: "Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về khả năng quân đội Mỹ tấn công Triều Tiên. Trung Quốc không thể loại trừ tính khí khó đoán của tổng thống Mỹ" - bà nói với báo Guardian (Anh).
Giải pháp quân sự được nhắc đến ngày càng nhiều nhưng theo chuyên gia Jeffrey Lewis của Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), tấn công một quốc gia hạt nhân là ý tưởng tồi. Thay vào đó, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ và nhiều hơn nữa. "Chỉ có áp lực ngoại giao tối đa mới đưa được Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Đây là mối đe dọa 4G: global, grave, given, growing (tạm dịch: toàn cầu, nghiêm trọng, rõ ràng và đang tăng)" - Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Francois Delattre nói với AP.
Giải pháp này từng được nhắc tới hồi tháng 4 qua, khi ngoại trưởng Mỹ yêu cầu tất cả thành viên Liên Hiệp Quốc chấp hành đầy đủ các lệnh trừng phạt, cắt đứt hoặc giảm quan hệ với Triều Tiên và tăng cường cô lập nước này về tài chính.
Bình luận (0)