Triều Tiên xác nhận vụ thử trên vào ngày 29-7. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) gọi đó là "lời cảnh báo cứng rắn" dành cho Mỹ, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói vụ thử tên lửa mới nhất cho thấy toàn bộ nước Mỹ nằm trong tầm bắn. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng đây chỉ là sự cường điệu.
KCNA cũng cho hay vụ phóng đã "thử nghiệm thành công khả năng quay lại khí quyển" của tên lửa. Theo Triều Tiên, tên lửa được thử nghiệm là Hwasong-14, cùng loại mà nước này bắn thử hôm 4-7.
Vụ thử diễn ra lúc 23 giờ 41 (giờ địa phương), tại tỉnh Jangang ở miền Bắc Triều Tiên. Nó diễn ra một ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, Nga và Iran.Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói tên lửa bay được khoảng 45 phút trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Đài NHK dẫn nguồn tin quân sự Nhật nói tên lửa đạt độ cao hơn 3.000 km.
Quân đội Hàn Quốc cho rằng loại tên lửa được thử là đạn đạo liên lục địa (ICBM), bay được hơn 1.000 km và đạt độ cao 3.700 km. Lầu Năm Góc cũng xác nhận loại tên lửa Triều Tiên thử là ICBM.
Tên lửa Triều Tiên rơi vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật (đường màu vàng). Ảnh: Daily Mail
Theo Reuters, dữ liệu vụ phóng cho thấy tên lửa lần này mạnh hơn tên lửa phóng hôm 4-7 (Mỹ, Hàn cũng cho đó là ICBM) và có khả năng đánh trúng nội địa Mỹ. Chuyên gia Jeffrey Lewis của Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) nhận định vụ phóng cho thấy Los Angeles đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên trong khi Chicago, New York và Washington mấp mé.
BBC cũng cho rằng tên lửa lần này bay xa hơn và cao hơn lần thử hôm 4-7, cho thấy nó có thể tấn công sâu hơn vào lòng nước Mỹ. Tính đầy đủ, tầm bắn của tên lửa hôm 28-7 là khoảng 10.400 km. Nếu phóng đi từ TP Rason ở Đông Bắc Triều Tiên, nó có thể bắn tới New York.
Los Angeles có thể được bảo vệ bởi mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ - bao gồm 4 hệ thống đánh chặn đặt ở căn cứ không quân Vandenberg gần Los Angeles và 32 tên lửa đánh chặn ở bang Alaska. Trong lần thử nghiệm hôm 31-5, Mỹ bắn hạ được 1 ICBM đang phóng đến lục địa Mỹ song nhiều chuyên gia và cả cơ quan chức năng Mỹ lo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa không thể bảo vệ nước này hoàn toàn trước một cuộc tấn công bằng ICBM từ Triều Tiên.
Mỹ - Hàn tăng đối phó
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án vụ thử hôm 28-7: "Bằng cách đe dọa thế giới, vũ khí và các vụ thử nghiệm sẽ càng cô lập Triều Tiên thêm nữa, làm suy yếu kinh tế và kiệt quệ người dân của họ. Nước Mỹ sẽ làm mọi biện pháp để đảm bảo an ninh của của nước Mỹ và bảo vệ đồng minh trong khu vực".
Ngay sau vụ thử, các quan chức quân sự hàng đầu Mỹ - Hàn đã điện đàm với nhau, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris (Mỹ) cùng Tổng tham mưu trưởng Lee Sun-jin (Hàn Quốc). Quân đội Hàn Quốc và Mỹ cũng nhanh chóng tập trận bắn tên lửa đạn đạo thật tại vùng biển của Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un viếng nghĩa trang chiến tranh nhân kỷ niệm 64 năm khép lại chiến tranh Triều Tiên. Ảnh được công bố ngày 28-7. Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo ngày 29-7, Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo nói Seoul sẽ chuẩn bị các biện pháp độc lập để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra lệnh giới chức nước này thảo luận với phía Mỹ về việc triển khai thêm các hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Hai khẩu đội THAAD đã hiện diện tại miền Nam Hàn Quốc song 4 khẩu đội khác bị trì hoãn do ông Moon muốn đánh giá tác động môi trường kỹ hơn.
Tổng thống Hàn Quốc cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt Triều Tiên thêm nữa. Tuy nhiên, việc trừng phạt thêm nhiều khả năng khó diễn ra bởi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tên lửa Triều Tiên phóng hôm 28-7 chỉ là loại đạn đạo tầm trung, theo hãng tin Tass. Các nhà ngoại giao tiết lộ Trung Quốc và Nga chỉ chịu đàm phán về lệnh trừng phạt mới nếu Triều Tiên thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân.
Bình luận (0)