Trước đó, vào ngày 3-9, Triều Tiên tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch (bom H) ở điểm thử nghiệm Punggye-ri, một khu vực nằm trong đồi núi.
Vụ thử hạt nhân mới nhất gây ra một trận động đất mạnh 6,3 độ Richter có thể cảm nhận được ở khắp biên giới Trung Quốc.
Trang 38 North công bố loạt ảnh vệ tinh cho thấy vụ thử gây ra ảnh hưởng "nhiều hơn và phạm vi rộng hơn so với 5 vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên tiến hành trước đó".
Ảnh chụp khu vực thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri trước vụ thử nghiệm. Ảnh: North 38
Ảnh chụp khu vực nói trên hôm 4-9. Ảnh: North 38
Loạt ảnh được chụp hôm 4-9 cho thấy những vụ sạt lở cũng như nhiều khu vực sỏi đá bị xáo trộn bởi cơn địa chấn xảy ra gần núi Mantap, điểm cao nhất của khu vực thử nghiệm.
Cũng theo North 38, vụ thử dù gây ra một cơn địa chấn mạnh nhưng không làm miệng núi sụp đổ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vụ nổ khiến một đường hầm phía dưới địa điểm thử nghiệm Punggye-ri sụp đổ.
Triều Tiên đến thời điểm hiện tại đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, tất cả đều được tiến hành tại địa điểm thử nghiệm Punggye-ri.
Ảnh chụp địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri trước vụ thử nghiệm cho thấy khu vực này được cây xanh bao phủ. Ảnh: North 38
Ảnh chụp sau vụ thử hạt nhân cho thấy nhiều đốm nâu dọc theo dãy núi, được xem là bằng chứng của một vụ sạt lở đất. Ảnh: North 38
Quả bom nhiệt hạch Triều Tiên thử nghiệm hôm 3-9 được cho là có sức công phá 50-120 kiloton (1 kiloton tương đương đương lượng nổ 1.000 tấn TNT).
Một quả bom có sức công phá 50 kiloton lớn gấp 3 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống TP Hiroshima – Nhật Bản vào năm 1945.
Nhiều chuyên gia cho rằng "tuổi thọ" của địa điểm thử nghiệm Punggye-ri có thể sút giảm do những cuộc thử nghiệm liên tục.
Vào đầu tuần này, các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo các vụ thử nghiệm trong tương lai của Bình Nhưỡng có thể phá hủy núi và thải ra phóng xạ.
Các chuyên gia của nhóm North 38 trước đó cũng bác khả năng các vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên gây ra một vụ phun trào núi lửa.
Bình luận (0)