Triều Tiên ngày 3-9 đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Vụ thử này được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.
Bom H bí ẩn
Theo tuyên bố chính thức từ bản tin đặc biệt của Triều Tiên, nước này đã thử "thành công hoàn hảo" bom nhiệt hạch (bom H) có thể được gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Thông báo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Cục Khảo sát Địa chất Mỹ công bố ghi nhận một cơn địa chấn mạnh 6,3 độ Richter ở bãi thử Punggye-ri ở phía Tây Bắc Triều Tiên ngày 3-9, làm dấy lên hàng loạt suy đoán về một vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng cơn địa chấn chỉ khoảng 5,7 độ Richter nhưng mạnh gấp 5-6 lần so với vụ thử cách đây một năm của Triều Tiên. Trong khi đó, cơ quan giám sát động đất của Trung Quốc ghi nhận thêm một cơn địa chấn thứ hai khoảng 4,5 độ Richter ở cùng vị trí nêu trên.
Hình ảnh do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 3-9 cho thấy ông Kim Jong-un đang kiểm tra một vật thể được cho là đầu đạn hạt nhân Ảnh: AP
Theo đài CNN, một quan chức của Cục Khí tượng Hàn Quốc ước tính vụ thử mới nhất có sức công phá tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT. Nhật Bản cho rằng vụ thử ngày 3-9 mạnh gấp 10 lần vụ thử hồi tháng 9 năm ngoái của Triều Tiên. Một số báo cáo tại Hàn Quốc cho hay nó mạnh gấp 5 lần so với sức công phá của quả bom được thả xuống TP Nagasaki - Nhật Bản vào năm 1945.
Vài giờ trước vụ thử hạt nhân mới nhất nêu trên, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin nước này phát triển được một loại vũ khí hạt nhân mạnh mẽ hơn và có thể sản xuất với số lượng mong muốn. KCNA cũng công bố những hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra một quả bom H và cho thấy nó được gắn vào ICBM tại Viện Vũ khí Hạt nhân Triều Tiên.
Thế nhưng, bà Melissa Hanham, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm James Martin về hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho rằng không thể xác định liệu loại vũ khí trong những hình ảnh nêu trên có được thử nghiệm ngày 3-9 hay không. Giới chuyên gia cho rằng nếu sức mạnh của vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên được xác nhận, điều đó có nghĩa là nước này đã gần như hoàn thành mục tiêu trở thành một cường quốc hạt nhân.
Nhiều nước phản ứng
Phản ứng thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là hành động thù địch và nguy hiểm. Ông nhấn mạnh: "Triều Tiên ngày càng trở thành sự đe dọa và nỗi xấu hổ lớn đối với Trung Quốc, quốc gia vốn đang tìm cách trợ giúp (đối phó Triều Tiên) nhưng ít thấy thành công".
Về phần mình, Hàn Quốc cho biết sẽ tìm kiếm các biện pháp quốc tế nhằm "cô lập hoàn toàn" Triều Tiên. Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho hay ông đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ H.R. McMaster và Seoul sẽ đề xuất biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất chống lại Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Bên cạnh đó, Seoul cũng cân nhắc triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản, ông McMaster cho biết Washington khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên "hoàn toàn không chấp nhận được" và cho rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này đang đặt ra mối đe dọa "nghiêm trọng và cấp bách" đối với Nhật Bản. Đến cả đồng minh Trung Quốc cũng thúc giục Triều Tiên dừng những hành động "sai trái". Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày tuyên bố nước này kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.
Bộ Ngoại giao Nga cũng "lấy làm tiếc" về việc lãnh đạo Triều Tiên tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng trong khu vực, đồng thời cảnh báo những hành động như thế tiếp diễn sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục cộng đồng quốc tế nên có hành động phản ứng nhanh chóng và cứng rắn đối với vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.
Vượt lằn ranh đỏ
Chuyên gia phân tích Kirsty Needham của trang The Sydney Morning Herald (Úc) cho rằng khi thử hạt nhân, Triều Tiên đã vượt qua lằn ranh đỏ của Trung Quốc.
Theo đánh giá của ông Needham, Bắc Kinh khó chấp nhận các vụ thử hạt nhân sát biên giới của mình, cũng như Washington ghét chuyện thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể vươn tới lục địa Mỹ. Nguy cơ đáp trả quân sự từ Mỹ đối với Triều Tiên nay dường như còn ít khả năng hơn việc Trung Quốc cuối cùng sẽ "bóp cò khẩu súng" đáng ngại nhất với Bình Nhưỡng -cắt dòng chảy dầu mỏ tới người hàng xóm đang bị cô lập nhất thế giới này. Bình Nhưỡng vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp dầu mỏ từ Bắc Kinh và Tokyo thậm chí đã quyết liệt thúc đẩy Washington đề xuất HĐBA LHQ trừng phạt vào "nguồn sống" này của Triều Tiên ngay sau vụ thử ICBM bay qua lãnh thổ Nhật Bản hôm 29-8.
Theo Telegaph, HĐBA LHQ chắc chắn sẽ đối mặt những lời kêu gọi rốt ráo hơn nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nhận định của cựu lãnh đạo tình báo Hàn Quốc Rah Jong-yil, các lệnh trừng phạt cho tới nay đã thất bại trong việc ngăn Bình Nhưỡng tiếp tục các phát triển vũ khí hủy diệt. Ông Rah cũng tin rằng một cuộc chiến toàn diện trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng hữu hình.
Tuy vậy, đài CNN cho rằng sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, không loại trừ giải pháp ngoại giao cho tình hình đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên nhưng nó cho thấy rằng Bình Nhưỡng sẽ không đến bàn đàm phán ở thế yếu. Trong khi đó, theo ông Mike Chinoy, một chuyên gia cấp cao tại Viện Mỹ - Trung, động thái này cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cực kỳ tự tin rằng ông có thể hành động mà không ngại bất cứ sự trả đũa nào, cũng không có biện pháp trừng phạt nào đủ mạnh đối với chế độ của nhà lãnh đạo này buộc ông phải thay đổi chiến thuật. Giới chuyên gia cũng cho rằng tình thế này càng được củng cố khi Triều Tiên thực ra vẫn là một quân bài tiện lợi của Trung Quốc và Nga nhằm mặc cả với Mỹ trong câu chuyện rút lực lượng khỏi khu vực.
THU HẰNG
Bình luận (0)