Phát biểu trước một ủy ban Thượng viện Mỹ chuyên giám sát các chính sách châu Á, ông Russel nhận định Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải trong bối cảnh cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông tiếp diễn.
Bắc Kinh đã từ chối áp dụng bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu để bầu lãnh đạo đặc khu, dẫn đến sự chỉ trích của một bộ phận dân chúng Hông Kông rằng họ bị xâm phạm quyền dân chủ.
Trước tình hình sinh viên Hồng Kông vẫn bám trụ tại các địa điểm biểu tình, ông Russel mô tả tình hình đã trở nên đáng “báo động” và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, xuống thang căng thẳng.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh cho rằng Washington đứng sau kích động, đồng thời khẳng định chính người dân Hồng Kông muốn lên tiếng vì tương lai của họ chứ không phải do bên ngoài can thiệp.
Trích dẫn thỏa thuận của Trung Quốc đối với Hồng Kông khi hòn đảo này được Anh trao trả về với lục địa năm 1997, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Đảng Cộng hòa, cho rằng Bắc Kinh đã vi phạm đạo luật cơ bản, bao gồm một số quyền tự trị và dân chủ, mà Trung Quốc hứa hẹn dành cho đặc khu.
Nghị sĩ Rubio cáo buộc Trung Quốc muốn có một lãnh đạo Hồng Kông thân Bắc Kinh để nghe theo mệnh lệnh của mình và nhận định “Trung Quốc là một đối tác không đáng tin cậy”.
Ngoài việc lên tiếng quan ngại về tình hình Hồng Kông, chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng bác bỏ những chỉ trích của Trung Quốc về những liên minh quân sự - chính trị do Mỹ dẫn đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Evan Medeiros, quan chức hàng đầu Nhà Trắng về chính sách châu Á, cho rằng nếu không có những liên minh nói trên, khu vực này sẽ xảy ra nhiều biến động không thể lường trước được.
Hồi tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn kêu gọi các nước từ bỏ “ tư tưởng chiến tranh lạnh”. Cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập “xu hướng phát triển hướng tới một thế giới đa cực”. Những ý kiến kể trên được xem như sự chỉ trích nhằm vào vai trò của Mỹ như là siêu cường toàn cầu duy nhất.
Bình luận (0)