Danh sách thực phẩm giả được “chế biến” ở Trung Quốc dài thêm khi cảnh sát tịch thu hơn 1 tấn sứa nhân tạo chứa đầy hóa chất ở miền Đông nước này. Sáu nghi can dính líu đã bị bắt ở 2 tỉnh Chiết Giang và Giang Tô, theo thông cáo của cảnh sát TP Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang.
Độc hại cho sức khỏe
Ba nghi can đầu tiên bị bắt hồi tháng 4 về tội bán sứa giả tại một ngôi chợ ở quận Ngũ Hành thuộc Hồ Châu. 150 kg sứa thành phẩm bị tịch thu khi đó. Nghi can họ Nguyên khai nhận chế loại “hải sản” này từ tháng 6-2015 và đến khi bị bắt đã thu lợi hơn 70.000 nhân dân tệ. Người này thú nhận học được nghề từ một “sư phụ” họ Giả ở TP Thường Châu, tỉnh Giang Tô.
Từ lời khai này, cảnh sát bắt 3 nghi can còn lại và tịch thu hơn 1 tấn sứa giả. Theo báo The Straits Times, nhà chức trách ước tính “sư phụ” Giả đã kịp tiêu thụ 10 tấn sứa giả trước khi bị bắt với lợi nhuận khoảng 100.000 nhân dân tệ.
Sứa giả thành phẩm. Ảnh: WECHAT
Nhân Dân nhật báo cho biết chi phí sản xuất sứa giả không bằng một nửa và thời gian cũng ít hơn so chế biến sứa thật. Sứa giả được chế từ 3 loại hóa chất, gồm sodium alginate (chất phụ gia tạo độ nhớt), calcium chloride (hóa chất công nghiệp) và aluminum sulfate (phèn nhôm, thường dùng trong xử lý nước và các ngành sản xuất giấy, dệt nhuộm hay in ấn).
Theo đài BBC, hàm lượng nhôm trong sứa giả nêu trên cao gấp 8 lần mức độ cho phép ở Trung Quốc và có thể làm tổn hại xương, thần kinh cũng như suy giảm trí nhớ. Những tác hại này gây nguy hiểm cao hơn ở phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ.
“Tài” làm thực phẩm giả của Trung Quốc từ lâu đã “lừng danh” thế giới. Dư luận vẫn chưa quên vụ gần 300.000 người ở Trung Quốc bị ảnh hưởng khi sữa và sữa bột trẻ em cùng một số nguyên liệu thực phẩm khác bị pha trộn melamine năm 2008. Ngoài ra, còn phải nhắc tới bánh bao hấp trộn bìa cứng; đậu hũ pha trộn giữa bột đậu nành và nhiều loại hóa chất (kể cả chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp rongalite với khả năng gây ung thư); thịt heo chứa chất tạo nạc clenbuterol, có thể gây bệnh tim mạch...
Đứng đầu thế giới
Kinh khủng không kém là thịt chuột được bán như thịt cừu chính cống. Việc làm bất chính này đã giúp nhiều người giàu lên nhanh chóng. Cụ thể, một người đã kiếm được hơn 1,4 triệu USD qua hành vi bán thịt cáo, thịt chuột và chồn trộn các hóa chất nitrate, gelatin và carmine - những chất ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Một ví dụ khác là việc Trung Quốc là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Báo Indian Today mỉa mai nước này yêu gạo nhiều đến mức làm ra cả gạo giả. Theo đó, gạo nhựa - ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe - là hỗn hợp giữa khoai tây, khoai lang và chất dẻo độc hại.
Không chỉ thực phẩm, Trung Quốc đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu hàng giả lớn nhất thế giới. Hàng giả “made in China” chiếm đến 63,2% tổng số hàng giả nhập khẩu bị thu giữ trên toàn cầu, vượt xa các nước theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ (3,3%), Singapore (1,9%), Thái Lan (1,6%), Ấn Độ (1,2%).
Đó là kết quả cuộc nghiên cứu được công bố vào đầu tháng 5 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cùng Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, có đến 5% số hàng hóa nhập khẩu vào EU là hàng giả - hầu hết chúng xuất phát từ các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc nền kinh tế mới nổi, trong đó Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu. Chỉ tính riêng năm 2013, lượng hàng giả nhập khẩu trên thế giới vào khoảng 461 tỉ USD, chiếm 2,5% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu.
Hôm 11-5, chính phủ Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ tăng cường trừng trị những hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như sản xuất và bán hàng giả, đặc biệt là trên mạng internet. Công tác giám sát và quản lý cũng được tăng cường để đối phó với nạn hàng giả và hàng kém chất lượng, bao gồm các loại dược phẩm, xăng và dầu diesel, vật liệu xây dựng và sản phẩm dành cho trẻ em.
Bình luận (0)