Theo đài BBC hôm 27-9, ông Paul Horner chết trên giường ngủ tại khu vực Laveen, bang Arizona hôm 18-9 sau khi uống thuốc quá liều.
Ông Jj Horner, em trai ông Paul Horner, đăng tải trên mạng xã hội Facebook rằng anh trai mình qua đời khi đang ngủ tại nhà mẹ và mô tả ông là "phù thủy mạng internet, nhà nhân đạo, nhà hoạt động, triết gia và nhà soạn kịch".
Ông Mark Casey, phát ngôn viên văn phòng cảnh sát hạt Maricopa, sau đó xác nhận cái chết của ông Horner và cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy không có dấu hiệu của hành vi đầu độc.
Theo ông Casey, ông Horner có tiền sử lạm dụng thuốc theo toa và bằng chứng tại hiện trường cho thấy ông đã dùng thuốc quá liều.
Ông Paul Horner từng thừa nhận công việc của mình là châm biếm chính trị. Ảnh: CNN
Ông Horner, người đăng tải những thông tin giả trên mạng xã hội Facebook và trang web tự lập ra, tuyên bố chính ông đã giúp Tổng thống Donald Trump đắc cử vào tháng 11 năm ngoái.
Tin giả từng là mối quan ngại chính trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Một loạt câu chuyện được dựng lên bị cho là làm ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu.
Một trong số những tin giả mà ông Horner tạo ra có tin cựu Tổng thống Barack Obama là người đồng tính và Hồi giáo cực đoan.
Nhiều trang web của ông Horner, như newsexaminer.net, được đặt tên khiến người ta tưởng nhầm là hợp pháp. Tuy nhiên, ông Horner từng thừa nhận công việc của mình là "châm biếm chính trị".
Người chuyên viết tin giả nói với đài CNN hồi tháng 12 năm ngoái cho rằng: "Có nhiều sự hài hước trong đó. Tôi làm điều này để cố giúp mọi người nhận thức đúng. Tôi nhằm vào những điều sai trái trong xã hội mà tôi không thích và những mục tiêu khác".
Trả lời phỏng vấn báo Washington Post hồi tháng 11-2016, ông Horner cho hay: "Tôi nghĩ ông Donald Trump vào được Nhà Trắng là nhờ tôi. Các trang web của tôi được những người ủng hộ ông Donald Trump đón đọc mọi lúc. Những người ủng hộ ông ấy không kiểm tra bất cứ điều gì, họ sẽ đăng tải mọi thứ và tin bất kỳ điều gì".
Ông Eric, con trai ông Donald Trump và là quản lý chiến dịch Corey Lewandowski, cũng từng đăng tải một trong những tin giả của ông Horner về việc người biểu tình được trả 3.000 USD để phản đối ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử.
Bình luận (0)