Ông Du nói rằng "tình hình biển Đông không có liên quan gì đến Nhật Bản". Hơn nữa, theo quan chức này, Tokyo cũng như Washington đã “không công bằng” khi chỉ lên án Bắc Kinh mà không đá động gì đến những nước cùng có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.
Ông Du cũng nói với các nhà lập pháp Nhật Bản đang ở thăm Trung Quốc, dẫn đầu là chính trị gia đảng Dân chủ Tự do (LDP) Takeshi Noda, rằng quan hệ Trung - Nhật đã được cải thiện mặc dù vẫn còn khó khăn: “Trong bầu không khí hiện tại, chúng tôi rất sẵn lòng duy trì đối thoại”.
Trong cuộc họp với các nghị sĩ LDP, ông Du cho biết quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trong tình trạng tốt hơn so với 1 năm trước đây. “Vào thời điểm đó, quan hệ 2 nước vẫn còn khá nhiều vấn đề rắc rối” - ông Du nói đến cuộc gặp giữa ông và một nhóm nghị sĩ LDP hồi tháng 5-2014.
Số lượng cuộc đối thoại chính trị cấp cao giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11-2014, bất chấp những tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vấn đề do chiến tranh để lại.
Ngày 27-6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng sự miễn cưỡng của Nhật Bản để chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là “nguyên nhân gốc rễ” của rất nhiều vấn đề hiện tại trong quan hệ ngoại giao.
Trong một diễn biến khác, thiếu tướng Chu Thành Hổ, giáo sư nghiên cứu chiến lược của Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc, nói Bắc Kinh có thể "để Mỹ tuần tra ở biển Đông" nhưng sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở đó là điều "không thể chấp nhận được"
Ông này lý giải: “Mỹ từng có các căn cứ quân sự tại Đông Nam Á, như ở Philippines, và đang hợp tác quân sự với Singapore. Do đó, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở biển Đông là có thể chấp nhận được đối với Trung Quốc”. Trái lại, theo lời ông này, “người dân và chính phủ Trung Quốc khó mà chấp nhận sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở biển Đông”.
Bình luận (0)