Ngày 4-10, Ủy ban Trao giải thưởng Nobel đã thông báo thời điểm công bố các giải Nobel của năm 2012. Theo kế hoạch, Nobel Y học được công bố sớm nhất (8-10). Kế đến là Nobel Vật lý (9-10), Nobel Hóa học (10-10), Nobel Văn học (11-10), Nobel Hòa bình (12-10) và Nobel Kinh tế (15-10).
Cùng với Nobel Hòa bình, giải Nobel Văn học đang thu hút dư luận, một phần do vấn đề Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhà văn Mạc Ngôn (trái) và Haruki Murakami. Ảnh: mwfblog.com.au - EPA
Trong bài bình luận trên báo Asahi tuần trước, nhà văn Murakami lên tiếng cảnh báo người dân cả hai nước đang bị chuốc say bằng “ly rượu rẻ tiền” do các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi rót ra.
“Khi vấn đề tranh chấp lãnh thổ thoát khỏi đời sống thực tế để đi vào địa hạt “tình cảm dân tộc”, nó sẽ tạo ra tình thế nguy hiểm không có lối thoát. Giống như rượu rẻ tiền vậy, nó làm anh say chỉ sau vài ly và khiến anh kích động. Nó làm anh nói to hơn, hành động thô lỗ hơn. Sau cơn say, anh chẳng còn gì ngoài cảm giác đau đầu kinh khủng. Chúng ta phải thận trọng với các chính trị gia và các chuyên gia bút chiến. Họ đang chuốc say chúng ta bằng thứ rượu rẻ tiền và đẩy mọi thứ ra khỏi kiểm soát” - tác giả “Rừng Na Uy” viết.
Với nhiều tác phẩm bán chạy và được ca ngợi trên thế giới như "Kafka trên bờ biển", "Biên niên ký chim vặn dây cót"... và mới nhất là “1Q84”, nhà văn Murakami không hề ngại tham gia vào các cuộc tranh cãi. Khi nhận giải Jerusalem 2009, giải thưởng văn học cao quý nhất của Israel trao cho một nhà văn nước ngoài, ông đã chỉ trích cuộc xung đột Trung Đông khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Bài bình luận của ông Murakami trên Asahi. Ảnh: Wall Street Journal
Cũng trong bài viết trên Asahi, ông Murakami nói “rất sốc” khi biết “1Q84” cùng nhiều tác phẩm văn học Nhật khác bị dọn khỏi các kệ sách tại Trung Quốc. “Một trong những mục đích chính của trao đổi văn hóa là để đạt đến sự hiểu biết chung vì chúng ta đều là con người, đều có cảm xúc và hứng khởi dù chúng ta nói những ngôn ngữ khác nhau” - ông viết.
Bình luận (0)