Trung Quốc đã thành lập “tổ Điếu Ngư” do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình trực tiếp chỉ huy để ứng phó trước khả năng căng thẳng Trung - Nhật có thể leo thang thành xung đột.
Bắc Kinh mạnh miệng
Theo báo Đại kỷ nguyên của Đài Loan hôm 16-1, “tổ Điếu Ngư” bao gồm các quan chức đầu ngành của quân đội, tình báo, ngoại giao, hàng hải... và được lệnh sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đại kỷ nguyên tiết lộ “tổ Điếu Ngư” được thành lập từ tháng 9-2012, khi Tokyo bắt đầu tuyên bố quốc hữu hóa một phần Senkaku.
Ngoài ra, tờ báo cho rằng Bắc Kinh đã chọn đúng ngày 13-12-2012, ngày kỷ niệm 75 năm phát xít Nhật gây ra cuộc thảm sát Nam Kinh, để lần đầu tiên phái máy bay “tuần tra Điếu Ngư”.
Đại kỷ nguyên dự đoán trong năm 2013, Trung Quốc có thể chọn tiếp 2 mốc thời điểm nhạy cảm khác để leo thang căng thẳng, đó là ngày 7-7 (nhân sự kiện cầu Lư Câu mở màn cho cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1937) và ngày 15-8 (ngày phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng hồi chiến tranh thế giới thứ hai).
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong cuộc tập trận tái chiếm đảo hôm 13-1. Ảnh: PRESS TV
Song song đó, phản ứng lại tuyên bố sẽ bắn cảnh cáo máy bay Trung Quốc của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), Thiếu tướng Trung Quốc Bành Quang Khiêm tuyên bố: “Chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn tức là đã khai chiến. Trung Quốc sẽ không chờ đến phát đạn thứ hai mà sẽ lập tức phản công”.
Trước đó, tờ Nhân dân Nhật báo hôm 15-1 dẫn lời Thiếu tướng La Viện, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự: “Trung Quốc hoàn toàn không sợ chiến tranh (với Nhật Bản)”. Còn đại tá không quân Đới Húc cho rằng muốn đối phó với không quân Nhật Bản thì Bắc Kinh “cần triển khai máy bay chiến đấu”.
Những phát ngôn hiếu chiến này tỏ ra phù hợp với chỉ thị huấn luyện thường niên mới nhất đăng trên nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc số ra ngày 14-1, trong đó yêu cầu quân đội Trung Quốc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị cho các tình huống chiến tranh thật sự trong các cuộc tập trận năm 2013. Trước đó, trong chuyến công tác đến đại quân khu Quảng Châu và hạm đội Nam Hải hồi cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã chỉ thị quân đội “hễ có lệnh là đến ngay, đã đến là đánh, đã đánh ắt phải thắng”.
Nhật không lùi!
Đang ở thăm Thái Lan ngày 17-1 trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kiên quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Matichon (Thái Lan), ông Abe tái khẳng định Senkaku thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và là một phần lãnh thổ nước này. “Sự thật đó không có gì phải nghi ngờ dù xét về lịch sử hay luật pháp quốc tế” - thủ tướng Nhật nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Abe cam kết sẽ tăng cường đối thoại để tìm được tiếng nói chung với Bắc Kinh vì “cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều có trách nhiệm đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Đông Á”.
Khi được hỏi về mục đích của việc SDF đề nghị chính phủ tăng ngân sách quốc phòng, ông Abe cho biết: “Chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ và tăng khả năng tự vệ để bảo đảm cuộc sống của người dân, tài sản và vùng trời của đất nước”.
Trước đó một ngày, SDF cho biết đã yêu cầu phân bổ tài chính trong tài khóa mới để nghiên cứu kế hoạch đặt các trạm radar di động và hệ thống thông tin liên lạc trên các đảo gần Senkaku nhằm triển khai linh hoạt hơn các hoạt động tuần tra và bảo đảm an ninh.
Đề nghị trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 15-1 xác nhận nước này sẽ bắn pháo hiệu cảnh cáo nếu máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận bên trên Senkaku và phớt lờ các cảnh báo qua sóng vô tuyến.
Nhật chỉ trích cựu thủ tướng Yukio Hatoyama
Chính phủ Nhật ngày 17-1 chỉ trích phát biểu của cựu thủ tướng Yukio Hatoyama tại Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là đi ngược lại quan điểm “chủ quyền lãnh thổ không thể chối cãi” của Tokyo.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 16-1, ông Hatoyama hối thúc chính phủ Nhật thừa nhận có tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku với Trung Quốc. “Nếu theo dõi lịch sử, bạn sẽ biết có tranh chấp. Nếu khăng khăng bảo rằng không có tranh chấp lãnh thổ, bạn sẽ không bao giờ tìm được đáp án” - ông nói với báo giới và cho biết cũng đã nêu ý kiến tương tự khi gặp gỡ ông Giả Khánh Lâm, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì.
Đáp lại, Chánh Thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh trong cuộc họp báo hôm sau: “Phát biểu trên hoàn toàn ngược lại quan điểm của Nhật Bản. Vô cùng đáng tiếc khi một người từng nắm giữ cương vị thủ tướng lại phát biểu như thế”.
Các đời thủ tướng tại Nhật, bao gồm khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) nắm quyền, đều khẳng định “không hề có tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Senkaku”.
M.Nhung |
Bình luận (0)