Bước đi trên của Kiev diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký lệnh mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào 400 cá nhân, 90 công ty, tổ chức bị cáo buộc chịu trách nhiệm về cuộc nổi dậy tại Đông Ukraine và việc Moscow sáp nhập Crimea.
Chỉ có điều, dư luận không khỏi sửng sốt khi trong danh sách này có cả người chết, người không có thật, các công ty “ma” cũng như những người “lạ hoắc” với Ukraine.
Chẳng hạn như ông Alexei Mozgovoi, chỉ huy tiểu đoàn “Bóng ma” thuộc phe ly khai ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, đã qua đời hôm 23-5 năm nay nhưng vẫn bị cấm vào Ukraine và đưa tài sản ra khỏi nước này. Trong khi đó, 3 nhà báo Latvia Eduard Eldarov, Vladimir Buchelnik và Erika Rugalskaya bị trừng phạt vì đưa tin về Ukraine thực ra không phải là những người thật mà chỉ là bút danh.
Chưa hết, những công ty Nga không còn hoạt động, như Transaero, AK Bars Aero và Polet, cũng bị đưa vào tầm ngắm. Đáng nực cười là Kiev còn trừng phạt cả những cụ già gần đất xa trời bị xem là “người ly khai” đang sống ở Nga, như viện sĩ Boris Runov 90 tuổi và giám đốc nghệ thuật dàn nhạc hàn lâm quốc gia Vivaldi Svetlana Bezrodnaya, 81 tuổi.
Gây tranh cãi không kém là sự xuất hiện của các nhà báo Elena Palazhchenko, trưởng văn phòng đại diện “Rossiya Segodnya” ở Thổ Nhĩ Kỳ và Olga Kovalenko, trưởng văn phòng đại diện ở Kazakhstan, trong danh sách trừng phạt dù họ chưa từng bao giờ viết về tình hình Ukraine.
Ngay cả 3 phóng viên Steve Rosenberg, Emma Wells, Anton Chicherov được xem là thân Ukraine của đài BBC (Anh) cũng chịu chung số phận. Dù ông Poroshenko đã nhanh chóng sửa sai đối với các nhà báo châu Âu nói trên thì nhiều người vẫn chỉ trích danh sách trừng phạt mới nhất đã bộc lộ sự yếu kém và lúng túng nhất định trong chính sách đối ngoại của Ukraine.
Bình luận (0)