Nghị quyết được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 22-12 cắt giảm lượng dầu tinh chế nhập khẩu của Triều Tiên tới 90% từ tháng 1-2018, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt các hoạt động tàu hàng nước này, áp hạn chót cho toàn bộ lao động nước ngoài của Triều Tiên phải về nước trong vòng 24 tháng.
Tuy nhiên, theo ông Paul Musgrave, trợ lý giáo sư tại Trường ĐH Massachusetts (Mỹ), "chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc cắt giảm các sản phẩm dầu mỏ nhiều khả năng sẽ là những lĩnh vực không đóng vai trò trọng yếu đối với sự sống sót của chế độ (Triều Tiên)". "Điều đó có nghĩa là điểm rơi nặng nhất của trừng phạt trúng vào dân thường" - ông Musgrave nhận định với Bloomberg.
Trong khi chính quyền Bình Nhưỡng vẫn duy trì được nguồn cung nguyên liệu đủ dùng, phần đông dân số sẽ phải vật lộn nhiều hơn trong một nền kinh tế đã thuộc hàng nghèo nhất thế giới. Theo ông Hong Kang-chel - một lính gác biên giới Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc năm 2013, cắt giảm sản phẩm dầu có thể khơi thêm lửa oán giận trong lòng người dân Triều Tiên đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi không có nhiên liệu thì người dân phải lao động chân tay nhiều hơn.
Người dân Triều Tiên theo dõi cuộc thao diễn nhảy dù quân sự ở Wonsan Ảnh: AP
Vấn đề kiểm soát tàu thuyền Triều Tiên cũng khó mang lại hiệu quả cao. Chuyên gia Zhao Tong tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc) chỉ ra rằng nghị quyết trừng phạt mới chỉ trao quyền cho các nước thành viên Liên Hiệp Quốc kiểm tra và bắt giữ tàu (Triều Tiên) trong lãnh hải của mình. Do đó, Mỹ sẽ không thể kiểm tra các tàu hàng đáng nghi trong lãnh hải của Nga hay Trung Quốc.
Ông Zhao cho rằng nếu việc phong tỏa kinh tế và cô lập chính trị không đủ để khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân thì nguy cơ chiến tranh sẽ trở nên rõ rệt. Theo báo Los Angeles Times, đối diện mối đe dọa tên lửa đạn đạo và hạt nhân ngày càng tăng từ Bình Nhưỡng, chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh việc mở rộng các hệ thống tên lửa nội địa bất chấp cảnh báo các kế hoạch nâng cấp có thể không thành công.
Những kế hoạch trước mắt kêu gọi xây dựng 2 hệ thống radar, trị giá 1 tỉ USD/hệ thống và triển khai thêm 20 tên lửa đánh chặn ở các căn cứ Ft. Greely (bang Alaska) và Vandenberg (bang California).
Lầu Năm Góc cũng đang tiến hành các bước để phóng vệ tinh mới nhằm giúp tên lửa đánh chặn tìm kiếm và phá hủy các tên lửa đạn đạo bay cao trên bầu khí quyển. Chi phí cho kế hoạch này dự kiến vào khoảng 10,2 tỉ USD trong vòng 5 năm, chưa kể chi phí trước đó dành cho hệ thống này đã hơn 40 tỉ USD.
Bình luận (0)