Ngày 31-5, các nguồn tin quân sự tiết lộ hai bên vẫn duy trì tình trạng giằng co dọc khu vực tranh chấp trong hơn 25 ngày. Quân đội Trung Quốc đang dần tăng cường dự trữ chiến lược ở các căn cứ gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở phía Đông Ladakh bằng cách bổ sung thêm pháo binh, xe chiến đấu bộ binh và các thiết bị quân sự hạng nặng.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng bổ sung binh lính cũng như thiết bị và vũ khí để ứng phó với hành động tương tự của Trung Quốc. Nước này tuyên bố sẽ không nhân nhượng đến khi nguyên trạng của hồ Pangong Tso, thung lũng Galwan và một số khu vực khác được phục hồi. Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) đã và đang giám sát nghiêm ngặt không phận của khu vực tranh chấp.
Một số lượng lớn các binh sĩ của quân đội Trung Quốc đã tiến vào biên giới thực tế của Ấn Độ hồi đầu tháng 5 và cắm trại ở hồ Pangong Tso và thung lũng Galwan từ đó. Quân đội Ấn Độ phản đối quyết liệt sự xâm phạm của binh lính Trung Quốc và yêu cầu nước này rút quân ngay lập tức để trả lại hòa bình cho khu vực.
Xe tải quân đội của Ấn Độ ở gần hồ Pangong Tso vào năm 2018. Ảnh: AP
Trang NDTV đưa tin quân đội Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở Demchok và Daulat Beg Oldie, hai khu vực nhạy cảm với lịch sử giao tranh giữa 2 bên. Được biết, quân đội Trung Quốc đã triển khai khoảng 2.500 binh lính tại hồ Pangong Tso và thung lũng Galwan, đồng thời tăng cường dần cơ sở hạ tầng và vũ khí. Tuy nhiên, không có số liệu chính thức về động thái này.
Các nguồn tin tiết lộ hình ảnh vệ tinh đã ghi lại sự tăng cường đáng kể về cơ sở hạ tầng ở phía biên giới thực tế của Trung Quốc, bao gồm các hoạt động xây dựng tại một căn cứ không quân cách hồ Pangong Tso 180 km.
Theo đánh giá của quân đội Ấn Độ, đây là hành động gây áp lực lên nước này. "Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được mưu đồ của Trung Quốc. Quân đội Ấn Độ giữ vững lập trường rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận điều gì khác ngoài việc khôi phục hiện trạng của khu vực" - trích lời một quan chức quân đội cấp cao.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 30-5 cho biết 2 nước đang thực hiện các cuộc đối thoại cả ở cấp độ quân sự và ngoại giao.
Nguyên nhân của sự đối đầu là do Trung Quốc phản đối việc Ấn Độ đặt một con đường trọng yếu ở khu vực quanh hồ Pangong Tso và xây dựng một con đường khác nối với đường Darbuk-Shayok-Daulat Beg Oldie ở thung lũng Galwan.
Các nguồn tin cho biết Trung Quốc cũng đang xây dựng một con đường ở khu vực trên và vấp phải sự phản đối của Ấn Độ. Tình hình ở phía Đông Ladakh trở nên xấu đi khi 250 binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ vào ngày 5-5 và kéo dài đến ngày hôm sau trước khi 2 nước đồng ý "chấm dứt". Tuy nhiên, tình trạng giằng co vẫn tiếp tục.
Bình luận (0)