Tạp chí Forbes ngày 17-8 đăng các hình ảnh vệ tinh cho thấy 2 máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc (hay còn gọi là "Rồng dũng mãnh") đã xuất hiện tại căn cứ không quân Hotan ở vùng Tân Cương, phía Tây Trung Quốc. Đây là căn cứ gần nhất của Trung Quốc với khu vực Aksai Chin đang tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ (nằm cách Aksai Chin khoảng 320km).
Hồi tuần trước, tờ Hindustan Times đưa tin Ấn Độ triển khai 5 máy bay chiến đấu Dassault Rafale mới tới khu vực Ladakh. Theo Hindustan Times, các máy bay chiến đấu Rafale đã luyện tập bay ban đêm tại địa hình đồi núi của bang Himachal Pradesh.
J-20 của Trung Quốc có thể bay ở độ cao hơn 20.000 m - một yếu tố quan trọng trên dãy Himalaya. Ảnh: Reuters
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn ở mức cao kể từ tháng 6, khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra đụng độ biên giới tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tại thung lũng Galwan gần khu vực Aksai Chin và Ladakh.
Theo các chuyên gia quân sự, khi hai nước láng giềng lớn nhất châu Á này đang tìm cách giành lợi thế trên khu vực được coi là "nóc nhà của thế giới", Trung Quốc được cho là có ưu thế hơn khi nói đến máy bay chiến đấu.
J-20 một chỗ ngồi của Trung Quốc có thể giành được ưu thế trên không vì khả năng tàng hình, có thể tránh sự phát hiện của radar và đạt tốc độ siêu thanh.
Trong khi đó, máy bay Rafale phiên bản 1 và 2 chỗ ngồi, mới được bàn giao cho Ấn Độ vào ngày 29-7, có hệ thống quét điện tử chủ động, có khả năng quan sát thấp (AESA) tương tự như J-20, có nghĩa là chúng có thể theo dõi nhiều mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết.
Những chiếc Rafale thế hệ mới có kích thước nhỏ và nhẹ hơn đáng kể so với những máy bay J-20.
"Phượng hoàng bầu trời" Rafale do Pháp sản xuất có thể đạt tốc độ Mach 1.8, tầm hoạt động 1.850 km. So sánh với chiến cơ Rafale, J-20 của Trung Quốc đã đi vào hoạt động cách đây ba năm và có thể đạt vận tốc Mach 2, với tầm bay khoảng 2.000 km.
Không quân Ấn Độ đặt hàng 36 máy bay chiến đấu Rafale theo thỏa thuận trị giá 9,4 tỉ USD ký với Pháp vào năm 2016. Ảnh: AP
Trên dãy Himalaya, nơi có những ngọn núi cao hơn 8.000 m, trần bay (tức độ cao cao nhất mà máy bay có thể bay đến) là một yếu tố quan trọng. Đối với Rafale, trần bay đó là khoảng 16.000 m, trong khi J-20 có thể bay ở độ cao hơn 20.000 m.
Ông Tống Trung Bình - nhà bình luận quân sự ở Hồng Kông lưu ý rằng máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng có thể được triển khai để cùng phối hợp với các máy bay khác và "điều đó có thể giúp chúng hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn".
Dù được coi là có lợi thế, J-20 có một vấn đề động cơ chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến hiệu suất của nó và hiện J-20 chỉ dựa vào một động cơ, làm giảm khả năng cơ động và khả năng tàng hình ở tốc độ siêu âm.
Không quân Ấn Độ đã đặt hàng 36 máy bay chiến đấu Rafale theo thỏa thuận trị giá 9,4 tỉ USD ký với Pháp vào năm 2016. Lô hàng dự kiến sẽ hoàn tất trước năm 2021.
Trong khi đó, không quân Trung Quốc không tiết lộ nước này có bao nhiêu máy bay chiến đấu J-20, nhưng con số được dự đoán ít nhất 50 chiếc.
Bình luận (0)