Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Số 2 (quận Sùng Minh, TP Thượng Hải - Trung Quốc) hôm 17-7 phát hiện thi thể một em bé 2 ngày tuổi bị hở hàm ếch.
Điều tra ban đầu cho thấy một bác sĩ khoa sản trong bệnh viện đã cung cấp hóa chất kali clorua (KCl) để ông của em bé tiêm cho đứa trẻ, có lẽ vì thấy bé bị dị tật bẩm sinh. Loại hóa chất này được dùng để điều trị chứng thiếu kali và có thể làm tim ngừng đập nếu sử dụng không đúng cách.
Cảnh sát đã bắt giữ vị bác sĩ kể trên và ông của đứa trẻ sơ sinh để thẩm vấn.
Theo Beam International, tổ chức từ thiện chuyên tài trợ các ca phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, mỗi năm tại Trung Quốc ghi nhận 600 trường hợp trẻ sơ sinh mắc phải dị tật này. Trong đó, chứng sứt môi thường gặp và cũng dễ phẫu thuật còn chứng hở hàm ếch khó chỉnh sửa hơn.
Thông thường, một ca phẫu thuật sứt môi có giá 5.000 - 7.000 nhân dân tệ (khoảng 800 - 1.100 USD), trong khi phẫu thuật hở hàm ếch có giá gấp đôi. Giám đốc Shan Li của Tổ chức Beam International cho biết nhiều gia đình không đủ khả năng chi trả nên bỏ rơi con em mình. Trong đó, gần đây nhất, hồi tháng 5 vừa qua, một trẻ bị hở hàm ếch bị bỏ lại khu vực nông thôn thuộc tỉnh Quảng Tây và may mắn sống sót sau 10 ngày không ai chăm sóc.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 24-7 đăng tải một bài xã luận phản ánh tình trạng đáng lo ngại tại quốc gia này, đó là nhiều người thiếu thông tin về chứng hở hàm ếch nên để xảy ra các trường hợp đáng tiếc như vụ em bé 2 ngày tuổi nói trên. Tờ báo kêu gọi chính phủ giúp đỡ tất cả mọi người hiểu đúng về bản chất vấn đề, qua đó tìm cách giải quyết cho phù hợp.
Bình luận (0)