Cuộc điều tra được cho là tập trung vào các cáo buộc tống tiền. Tuy nhiên trang Business Insider lại không cho là như thế. Việc bắt giữ ông Liệu có thể liên quan tới việc đưa tin về đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc và vụ các nổ ở Thiên Tân.
Theo hồ sơ của ông Liệu, ông đã làm việc tại tờ báo và bộ phận kỹ thuật số của báo trong 19 năm kể từ khi tốt nghiệp trường ĐH Công nghệ Bắc Kinh. Lần gần đây nhất ông Liêu xuất hiện trước công chúng là vào ngày 20-8, khi tới TP Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) để phát biểu tại một diễn đàn truyền thông về sự hội nhập giữa báo chí truyền thống và điện tử.
Đầu năm nay, ông ủng hộ việc đăng tải một bộ phim tài liệu gây tranh cãi về chủ đề ô nhiễm không khí ở Trung Quốc. Đây là bộ phim có tên Under the Dome (tạm dịch “Dưới mái vòm”), được đăng tải trên trang People.cn.
Sau động thái này, ông Liêu chịu nhiều áp lực và có thông tin ông bị cách chức tổng biên tập trang điện tử của Nhân dân Nhật báo từ tháng 4. Phó chủ tịch của People.cn là ông Trần Chí Hạ cũng bị cảnh sát áp giải đi cùng với ông Liệu vào sáng 27-8, theo tờ Tài Tân.
Nguyên nhân khiến hai người này bị bắt giữ chưa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin cho biết cáo buộc nhằm vào ông Liệu tương tự như cáo buộc đối với cựu Chủ tịch công ty truyền thông 21st Century Media Group, vốn bị cáo buộc là dùng báo chí để tống tiền.
Hồi tháng 5, ông Từ Huy, một phó tổng biên tập khác của People.cn, cũng bị điều tra vì đe dọa tống tiền doanh nghiệp.
Tờ Business Insider cho biết động thái trên của chính phủ Bắc Kinh đã dấy lên tin đồn trên các trang mạng xã hội nước này rằng các nhà báo và biên tập viên của Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ, cũng có thể trở thành các đối tượng điều tra tiếp theo.
Trước đó, Bắc Kinh bắt giữ ông Vương Tiểu Lỗ, phóng viên tạp chí tài chính Tài Kinh ở Bắc Kinh, vì “truyền bá thông tin sai lệch về chứng khoán”. Đại diện tạp chí Tài Kinh cho biết ông Vương viết một bài báo vào ngày 20-7 có nội dung Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đang tìm hiểu làm thế nào các công ty chứng khoán có thể rút tiền từ thị trường chứng khoán.
CSRC tuyên bố bài viết của Wang không đúng sự thật. Đáp lại, Tài Kinh cho hay sẽ tích cực hợp tác với các nhà điều tra.
Từ bỏ mộng tưởng "tăng trưởng kinh tế cao"
Người đàn ông giàu nhất Trung Quốc – tỉ phú Vương Kiến Lâm – hôm 27-8 cảnh báo Bắc Kinh phải từ bỏ “ảo tưởng về việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao” giữa thời điểm nước này đang vật lộn với sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán.
Phát biểu sau khi Công ty Dalian Wanda (của ông Vương) mua lại tập đoàn World Triathlon với giá 650 triệu USD, nhà tài phiệt nhấn mạnh vấn đề mấu chốt là liệu tăng trưởng kinh tế có “bền vững và an toàn” hay không.
“Kinh tế Trung Quốc cần chuyển đổi từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng. Đó là cả một quá trình khó khăn. Nhưng nếu không thực hiện bây giờ, quá trình chuyển đổi sẽ còn đau đớn hơn trong tương lai. Bắc Kinh nên từ bỏ việc giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (7-8%) và chấp nhận ở mức 7, 6 hoặc thậm chí 5%” – ông Vương nói.
Bắc Kinh cho biết tăng trưởng kinh tế trong 2 quý đầu năm 2015 đạt mức 7%, thấp nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, con số này cũng gây nghi ngờ khi nhiều nhà quan sát tin rằng tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này còn thấp hơn nhiều.
Thậm chí, còn xuất hiện thông tin Thủ tướng Lý Khắc Cường là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn thị trường chứng khoán Trung Quốc. Bàn về nguyên do dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Trung Quốc, giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đẩu thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh, nói: “Các nhà chức trách đã nhúng tay quá sâu vào thị trường chứng khoán và bây giờ họ đang cố gắng đổ trách nhiệm cho người khác”.
Bình luận (0)