Cầu Chishi ở tỉnh Hồ Nam là một trong những cây cầu gây nhiều sửng sốt như thế được xây dựng trong làn sóng cuồng xây cầu "khủng" của nền kinh tế số 2 thế giới những năm gần đây. Cư dân địa phương vốn phần lớn là những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nhìn cây cầu với 4 làn đường cao tốc hoành tráng mà họ hiếm khi có việc cần đặt chân lên và ngao ngán. Ông Huang Sanliang - nông dân 56 tuổi, sống dưới cầu Chishi - cho rằng nếu xây dựng một con đường cấp 2 hay cấp 3 thì tốt hơn cho cư dân địa phương.
Tất nhiên, mỗi cây cầu ra đời đều mang những sứ mệnh tốt đẹp như tiết kiệm thời gian đi lại, phục vụ phát triển kinh tế và đặt nền tảng cho nhiều thập kỷ phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, trước tốc độ gia tăng chóng mặt số lượng cầu và đường cao tốc hiện nay tại Trung Quốc, các chuyên gia lo ngại nhiều công trình sẽ trở nên vô nghĩa.
Trong khi lợi ích giao thông còn chưa rõ, những công trình được xây dựng từ các khoản vay hỗ trợ từ chính phủ này đã lộ rõ sự lãng phí và tham nhũng. Điển hình là cầu Chishi dài 2,2 km, ngốn chi phí xây dựng tới 300 triệu USD, vượt 50% ngân sách dự tính. Sau khi vật lộn với tình trạng chậm tiến độ, tai nạn xây dựng nghiêm trọng và sự "đục khoét" của quan tham, cây cầu cũng được khánh thành vào tháng 10-2016 song tới nay vẫn hầu như không được sử dụng và ngập trong nợ nần.
Phí qua cầu Chishi khoảng 3 USD, vượt quá khả năng của hầu hết dân làng sống bên dưới cầu cạn này. Ảnh: New York Times
"Cơ sở hạ tầng như một con dao 2 lưỡi. Nó tốt cho nền kinh tế nhưng quá nhiều lại là điều nguy hại" - ông Atif Ansar, giáo sư tại ĐH Oxford (Anh) chuyên nghiên cứu về chi tiêu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, giải thích. Theo nghiên cứu của ông Ansar, chưa tới 1/3 trong tổng số 65 dự án đường cao tốc và đường sắt của Trung Quốc mà ông Ansar nghiên cứu có "hiệu quả kinh tế thực sự" trong khi phần còn lại gây nợ nhiều hơn là phục vụ nhu cầu vận tải. Nếu các dự án thế này không được kiểm soát, vị giáo sư cảnh báo những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quản lý kém có thể đẩy Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính.
Trong khi đó, ông Eric Sakowski, quản lý một trang web về những cây cầu cao nhất thế giới, nhận định: "Số lượng công trình xây dựng cầu cao ở Trung Quốc quả là điên rồ. Trung Quốc xây dựng 50 cây cầu cao mỗi năm trong khi tất cả những nước còn lại của thế giới chỉ có 10 cây cầu".
Ông Huang Shaoqing, chuyên gia kinh tế tại ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết các chuyên gia thường ủng hộ việc xây dựng cơ sở hạ tầng như một cách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhưng các chính quyền địa phương ở Trung Quốc lại "quá đà" vì bị cám dỗ từ những khoản đầu tư khổng lồ đổ vào công trình.
Theo báo The New York Times (Mỹ), các dự án như cầu Chishi thường được tài trợ khoản vay từ các ngân hàng nhà nước cho đến công ty thuộc sở hữu của chính quyền địa phương. Thế nhưng, nhiều tuyến đường ở khu vực thưa dân, phí cầu đường không thể bù đắp chi phí xây dựng mà chỉ làm tăng nợ và phí hoạt động.
Chính phủ Trung Quốc ước tính đường cao tốc trên toàn quốc tiêu tốn khoảng 47 tỉ USD vào năm 2015, gấp đôi so với năm 2014. Tại tỉnh Hồ Nam, đường cao tốc phải gánh lãi vay 1,9 tỉ USD/năm trong khi chỉ thu được 1,3 tỉ USD phí cầu đường.
Bình luận (0)