Hãng tin Bloomberg cho hay Tổng thống Trump mở quốc yến tại Vườn Hồng trong Nhà Trắng để đón tiếp Thủ tướng Morrison. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Úc được đón tiếp như vậy tại Washington kể từ năm 2006. Với ông chủ Nhà Trắng, đây là quốc yến thứ hai trong nhiệm kỳ của ông.
Các quan chức Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về những ưu tiên chính sách đối ngoại của Washington, như bảo vệ tự do đi lại ở eo biển Hormuz theo sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu của Ả Rập Saudi vào cuối tuần rồi, chương trình hạt nhân của Triều Tiên...
Chính phủ ông Morrison hồi tháng rồi thông báo sẽ cử tàu và máy bay hỗ trợ liên minh do Mỹ đứng đầu trong việc bảo đảm an toàn cho tàu qua lại eo biển Hormuz.
Ngoài ra, chương trình nghị sự còn gồm chuyện hợp tác giữa hai nước trong sứ mệnh trở lại mặt trăng và nỗ lực chung nhằm bảo đảm sự tiếp cận "ổn định và an toàn" đối với kim loại đất hiếm.
An ninh và thương mại là những nội dung thảo luận chính khi Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Thủ tướng Úc Scott Morrison tại Nhà Trắng ngày 20-9. Ảnh: Reuters
Theo giới phân tích, cuộc gặp thượng đỉnh lần này là dịp để ông Morrison nhắc nhở ông chủ Nhà Trắng về những thách thức an ninh mới đối với khu vực. Đáng chú ý, các nhà ngoại giao tại Washington và Canberra đang ngày càng lo ngại về các tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh.
Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã cung cấp các khoản viện trợ và cho vay trị giá 1,6 tỉ USD cho 265 dự án tại các đảo quốc Thái Bình Dương, theo nghiên cứu của Viện Lowy (Úc). Con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 8,6 tỉ USD được Mỹ và Úc chi cho khu vực này, phần lớn dành cho các chương trình cải thiện năng lực quản lý, giáo dục và dịch vụ y tế.
Dù vậy, lợi thế của Bắc Kinh là tập trung vào các dự án cải thiện hạ tầng và giao thông tại các nước nhận viện trợ hoặc vay tiền. Nỗi lo của Mỹ là Trung Quốc có thể đưa các nước này vào bẫy nợ và dùng điều này làm đòn bẩy để thiết lập căn cứ quân sự tại khu vực.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Úc trao đổi tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại TP Osaka - Nhật Bản hôm 29-6. Ảnh: Reuters
Cả Mỹ và Úc đều đang nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. Cuối năm ngoái, chính quyền ông Morrison đã công bố quỹ hạ tầng trị giá 2 tỉ AUD dành cho Nam Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Mỹ tham gia hỗ trợ các dự án tại khu vực cùng với Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo vào tháng rồi đã thăm Micronesia và thảo luận với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương về vấn đề an ninh.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Úc vào tháng 8 của ông Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, hai bên cam kết tăng cường đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, chuyên gia Malcolm Davis của Viện chính sách chiến lược Úc cho rằng hai nước cần làm nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như Mỹ cần dành nhiều nguồn lực hơn cho khu vực trên, cả về quân sự, đầu tư và viện trợ.
Bình luận (0)