Phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã khai mạc hôm 20-10 và kéo dài đến ngày 23-10 tại thủ đô Bắc Kinh với trọng tâm thảo luận là vấn đề pháp quyền và chống tham nhũng.
Đẩy mạnh cải cách tư pháp
Với sự tham gia của 205 thành viên Ban Chấp hành Trung ương, khoảng 170 ủy viên dự khuyết cùng giới chức các ban, ngành, hội nghị sẽ thảo luận dự thảo nghị quyết về “các vấn đề quan trọng liên quan tới thúc đẩy một cách toàn diện hệ thống luật pháp”.
Theo Tân Hoa Xã, đây là lần đầu tiên một phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy pháp quyền làm trọng tâm.
Trước thềm hội nghị, Reuters cho rằng dù tìm cách hạn chế ảnh hưởng của các quan chức đầu ngành, tỉnh, thành song Bắc Kinh vẫn sẽ không xây dựng một nền tư pháp độc lập do xem đây là vấn đề nhạy cảm.
An ninh được thắt chặt tại Bắc Kinh trong thời gian họp phiên toàn thể
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Nhật báo Trung Quốc kêu gọi lãnh đạo dẹp nạn lạm quyền, vốn tạo ra bất bình đẳng trong nền kinh tế cũng như dẫn đến các cuộc bạo loạn ở một số địa phương.
Trong bài xã luận trên Tân Hoa xã ngày 19-10, một quan chức giấu tên ở tỉnh Hắc Long Giang cho rằng việc thiếu tôn trọng luật pháp đang cản trở cải cách. Thái độ này còn nghiêm trọng hơn trong hàng ngũ quan chức. “Một số quan chức hàng đầu ở địa phương vẫn có tư tưởng phong kiến mạnh mẽ nên áp đặt quyền lực lên trên luật pháp, thậm chí dám nói “tôi là luật pháp” - bài viết nhấn mạnh.
Cải tổ Quân ủy Trung ương
Một cuộc cải tổ Quân ủy Trung ương dự kiến diễn ra trong phiên họp này. Việc thay đổi nhân sự thượng tầng quân đội Trung Quốc đã manh nha từ khi cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị điều tra tham nhũng vào cuối tháng 6-2014.
Cũng tại phiên họp, Bắc Kinh sẽ công khai quyết định khai trừ 5 quan chức cấp cao khỏi Ban Chấp hành Trung ương, gồm cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, Phó Bí thư tỉnh Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc Vương Vĩnh Xuân và cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương. Năm người này bị điều tra vài tháng trước nhưng phải tới hội nghị trung ương 4 mới mất tư cách ủy viên trung ương chính thức hay dự khuyết.
Ngoài ra, 2 ủy viên trung ương dự khuyết đang bị điều tra nhưng chưa có quyết định kỷ luật là Trần Xuyên Bình (Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây) và Phan Dật Dương (Phó Chủ tịch thường trực khu tự trị Nội Mông).
Về ứng viên vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, giới phân tích cho rằng đó là Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lưu Nguyên và Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị Trương Hựu Hiệp.
Theo tờ Văn Hối (Hồng Kông), một nguyên do khác khiến Chủ tịch Tập Cận Bình thay đổi nhân sự Quân ủy Trung ương có thể liên quan đến căng thẳng lãnh thổ giữa Trung Quốc với các láng giềng ở biển Đông và Hoa Đông.
Về trường hợp cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dự đoán hội nghị sẽ không đưa ra cáo buộc cụ thể. Ông Steve Tsang, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc đương đại tại Trường ĐH Nottingham (Anh), nhận định: “Bất cứ điều gì được thảo luận tại phiên họp đều xuất phát từ những thỏa hiệp trước đó giữa giới lãnh đạo chóp bu”.
Ngoài ra, chuyên gia pháp lý Từ Hân thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh nói với hãng tin AP rằng các biện pháp chống tham nhũng cũng sẽ được bàn đến.
Truy thu tài sản quan tham
Báo Sydney Morning Herald hôm 20-10 dẫn lời ông Bruce Hill, phụ trách hoạt động của Cảnh sát Liên bang Úc tại châu Á, khẳng định Úc đã đồng ý hỗ trợ Trung Quốc dẫn độ và tịch thu tài sản của các quan tham mang theo hàng trăm triệu USD chạy sang nước này.
Trong những tuần tới, 2 bên sẽ tiến hành chiến dịch đầu tiên nhằm tịch thu tài sản của những người Trung Quốc bị cáo buộc là tội phạm kinh tế đang cư trú tại Úc, tập trung trước hết vào người Trung Quốc mang quốc tịch Úc núp bóng kinh doanh để rửa tiền nhiều năm qua.
Tổ chức Global Financial Integrity (Mỹ) ước tính khoảng 3.000 tỉ USD đã được chuyển khỏi Trung Quốc một cách bất hợp pháp từ năm 2005-2011. Một kịch bản phổ biến là các quan chức Trung Quốc gửi bạn đời và con cái ra nước ngoài rồi chuyển tài sản cho họ. Những quan chức “trần trụi” này sau đó “bay” ngay khi gặp rắc rối trong nước. Tại nước ngoài, số tiền phi pháp dần biến thành tài sản hợp pháp như bất động sản, cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng…
Xuân Mai
Báo Sydney Morning Herald hôm 20-10 dẫn lời ông Bruce Hill, phụ trách hoạt động của Cảnh sát Liên bang Úc tại châu Á, khẳng định Úc đã đồng ý hỗ trợ Trung Quốc dẫn độ và tịch thu tài sản của các quan tham mang theo hàng trăm triệu USD chạy sang nước này. Trong những tuần tới, 2 bên sẽ tiến hành chiến dịch đầu tiên nhằm tịch thu tài sản của những người Trung Quốc bị cáo buộc là tội phạm kinh tế đang cư trú tại Úc, tập trung trước hết vào người Trung Quốc mang quốc tịch Úc núp bóng kinh doanh để rửa tiền nhiều năm qua.
Tổ chức Global Financial Integrity (Mỹ) ước tính khoảng 3.000 tỉ USD đã được chuyển khỏi Trung Quốc một cách bất hợp pháp từ năm 2005-2011. Một kịch bản phổ biến là các quan chức Trung Quốc gửi bạn đời và con cái ra nước ngoài rồi chuyển tài sản cho họ. Những quan chức “trần trụi” này sau đó “bay” ngay khi gặp rắc rối trong nước. Tại nước ngoài, số tiền phi pháp dần biến thành tài sản hợp pháp như bất động sản, cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng…
Xuân Mai
Bình luận (0)