Với 546 phiếu thuận, 28 phiếu chống và 77 phiếu trắng, kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy sự đồng thuận cao đối với việc không mở thêm cửa nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cho Trung Quốc lúc này.
Các nghị sĩ ủng hộ nghị quyết lập luận rằng tình trạng năng suất dư thừa cộng với hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, kinh tế và xã hội các nước thành viên EU. Họ cũng lưu ý 56/73 biện pháp chống bán phá giá của EU đang áp dụng cho hàng nhập khẩu đến từ Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp châu Âu cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các khoản trợ cấp của chính phủ nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Không những thế, nghị quyết còn nhấn mạnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn bị nhà nước kiểm soát.
Bước đi trên là một đòn giáng mạnh vào tham vọng mở rộng cánh cửa gia nhập thị trường EU của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, với dòng chảy thương mại đạt hơn 1 tỉ euro mỗi ngày.
Trung Quốc cho rằng nước này phải được tự động trao quy chế kinh tế thị trường sau ngày 11-12 theo thỏa thuận gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Ủy ban châu Âu (EC) đang cân nhắc 3 lựa chọn liên quan đến vấn đề này: trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc; trao quy chế này nhưng kèm theo một số biện pháp giảm trừ thiệt hại; không trao quy chế và duy trì các biện pháp chống bán phá giá.
Một nghiên cứu cho thấy nếu Trung Quốc trở thành nền kinh tế thị trường, số lượng lao động thất nghiệp ở các nước EU sẽ dao động từ 63.600-211.000 người. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc sẽ mở đường để Bắc Kinh bơm thêm tiền vào nền kinh tế trì trệ của châu Âu, giúp đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và tạo thêm công ăn việc làm.
Trong một diễn biến khác, tạp chí Financial Review hôm 12-5 cho biết 4 ngân hàng lớn của Úc - Ngân hàng Quốc gia (NAB), Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ), Ngân hàng Commonwealth và Ngân hàng Westpac - đã thắt chặt kiểm soát các khoản vay dành cho khách hàng Trung Quốc.
Đây là các khoản vay phục vụ nhu cầu mua bất động sản tại Úc, vốn bùng nổ từ giữa những năm 2013. Dự báo thời gian tới, công dân Trung Quốc sẽ khó mua thêm căn hộ nội thành hoặc bất động sản sang trọng ở Úc.
Bình luận (0)