Tại cuộc họp của đại diện các nước ASEAN ngày 27-4, đã xuất hiện lời kêu gọi tuyên bố chung của khối này nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague - Hà Lan về vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Một quan chức Philippines giấu tên nói với đài ABS-CBN News rằng lời kêu gọi này nhằm nhiều hơn vào nước chủ nhà sau khi có thông tin bản dự thảo tuyên bố chung sẽ không đề cập phán quyết trên cũng như hoạt động quân sự hóa hoặc xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông. Thay vào đó, theo Reuters, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ bày tỏ “quan ngại sâu sắc về sự leo thang các hoạt động” ở vùng biển tranh chấp này.
Ông Rolio Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, cảnh báo sẽ là điều không hay ho gì nếu một nước khác thúc đẩy đưa phán quyết của tòa quốc tế vào tuyên bố chung trong lúc Philippines đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Trước thềm hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh tranh chấp biển Đông là một trong những vấn đề cần được các nước Đông Nam Á giải quyết “tức thì”. Trong cuộc phỏng vấn phát trên kênh tin tức ANC (Philippines) ngày 27-4, ông Widodo cho rằng điều quan trọng nhất là các nước ASEAN cần đạt được thỏa thuận về vấn đề này trước khi nói chuyện với Trung Quốc. Một trong những giải pháp đang được thúc đẩy là bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo ông Widodo, sự ra đời của COC sẽ mở đường cho những hoạt động chung ở biển Đông, trong đó có thăm dò dầu khí và đánh bắt cá.
Theo Reuters, việc Trung Quốc lên tiếng ủng hộ hoàn tất COC đã ít nhiều mở ra hy vọng về giải pháp hòa bình cho vấn đề biển Đông. Dù vậy, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục xây dựng và đưa vũ khí lên các đảo nhân tạo, một số nhà ngoại giao Đông Nam Á tỏ ra nghi ngờ về sự thật lòng của Trung Quốc đối với COC. Một nhà ngoại giao cấp cao ASEAN giấu tên cho biết một số đồng nghiệp của ông tin rằng đây chỉ là chiêu câu giờ khác của Trung Quốc. Theo quan chức này, 2 vòng đàm phán COC từ đầu năm đến giờ tạo cảm giác rằng hai bên đã đạt tiến triển nhưng thực ra, những chi tiết đang được bàn thảo không khác gì mấy Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), được ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002.
Trong khi đó, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, hôm 26-4 cho biết nước này đang lên kế hoạch tiến hành chiến dịch tự do hàng hải mới ở biển Đông nhưng không cho biết thời gian biểu cụ thể. Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Harris cáo buộc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa và cải tạo đất quy mô lớn ở biển Đông, phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái.
Những chỉ trích mạnh mẽ này có thể khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh lâu nay cho rằng Washington không liên quan gì đến vấn đề biển Đông, đồng thời cảnh báo các chuyến đi nêu trên có thể kết thúc trong thảm họa.
Bình luận (0)