Tuy nhiên, biên giới Trung Quốc đang trở nên căng thẳng vì đại dịch. Điển hình là Thụy Lệ, một thành phố ở khu vực Tây Nam Trung Quốc có chung đường biên giới dài 169 km với Myanmar ở 3 phía.
Thành phố phát triển mạnh về thương mại xuyên biên giới này đã phong tỏa 4 lần trong 7 tháng qua. Nhiều nhà bán lẻ và nhà hàng đã ngừng hoạt động. Phần lớn người dân địa phương bị cấm đi nơi khác và khu vực này đang trở nên kiệt quệ trong bối cảnh nhiều quy định được đặt ra để truy tìm và dập tắt virus SARS-CoV-2.
Những thiệt hại về con người và nền kinh tế của thành phố đã rất nghiêm trọng trong khi lợi ích về mặt loại bỏ mầm bệnh lại rất ít. Điều này khiến một số người phải lên tiếng.
Một hàng người chờ xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh. Ảnh: AP
"Những đợt phong tỏa kéo dài đã khiến thành phố rơi vào bế tắc. Nó cần khẩn cấp khôi phục lại hoạt động sản xuất và kinh doanh thiết yếu. Chính phủ nên rút ra bài học trong việc cân bằng tình hình địa phương cũng như sinh kế của người dân và kiểm soát đại dịch" - ông Dai Rongli, cựu phó thị trưởng của TP Thụy Lệ, nói trên tài khoản mạng xã hội cá nhân hôm 28-10.
Trung Quốc đang dần bất lực trước Covid-19?
Sự giận dữ hiếm hoi tại đất nước nơi hầu hết người dân đều tuân theo chính phủ nhấn mạnh cái giá phải trả do cách xử lý của Trung Quốc trong gần 2 năm xảy ra đại dịch. Những hy sinh của người dân tại TP Thụy Lệ hầu như không thể ngăn chặn được virus khi những đợt bùng phát cứ xảy ra nối tiếp từ tháng 3. Trong năm nay, số ca nhiễm tại tỉnh Vân Nam là hơn 1.500 ca, trong đó hầu hết là tại khu vực Thụy Lệ.
Vấn đề nằm ở Myanmar, nơi virus đang lan rộng trong bối cảnh chính trị bất ổn. "Mỗi đợt phong tỏa là 1 tổn thất nghiêm trọng về tinh thần và vật chất. Mỗi cuộc chiến chống lại Covid-19 lại chồng chất thêm nỗi bất hạnh. Các quan chức phải chịu đựng gian khổ khi canh gác biên giới. Người dân cạn kiệt tài chính và chấp nhận thực tế một cách thụ động mỗi khi một đợt dịch bùng phát" - ông Dai nói thêm.
Bình luận của ông Dai đã gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với tình trạng khó khăn của Thụy Lệ. Bất chấp gánh nặng đè lên vai người dân, nền kinh tế số 2 thế giới vẫn cam kết ngăn chặn Covid-19, ít nhất sau khi tổ chức xong Thế vận hội mùa đông bắt đầu tại Bắc Kinh vào tháng 2-2022.
Mỹ cấp phép sử dụng vắc-xin Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng vắc-xin Pfizer-BioNTech với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Công thức với liều thấp hơn vắc-xin dành cho người lớn được chứng minh là an toàn và có hiệu quả 90,7% trong việc ngăn ngừa Covid-19.
FDA ra quyết định trên hôm 29-10 sau khi một hội đồng các nhà khoa học độc lập cố vấn cho FDA ủng hộ mạnh mẽ việc cấp phép. FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp dựa trên một nghiên cứu trên khoảng 4.700 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Bước tiếp theo trong quy trình trước khi vắc-xin có thể được phân phối cho các bác sĩ nhi khoa, nhà thuốc và các điểm phân phối khác sẽ là cuộc họp của ban cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) vào ngày 2-11.
Tùy theo kết quả cuộc họp này, giám đốc của CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, sau đó sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu vắc-xin có thể được sử dụng hay không và trong những trường hợp nào. Nếu ông Walensky chấp thuận, trẻ em ở độ tuổi này có thể bắt đầu tiêm mũi đầu tiên vào đầu tháng 11.
Bình luận (0)