Theo báo Times of India hôm 20-7, các nguồn tin này cho rằng cũng không có cuộc tập trận quân sự nào gần đây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Tây Tạng.
Thông tin này được đưa ra sau khi phương tiện truyền thông Trung quốc cho rằng PLA đang chuẩn bị chiến đấu khi triển khai "hàng chục ngàn tấn thiết bị và xe quân sự" gần biên giới bang Sikkim của Ấn Độ và Tây Tạng.
Ấn Độ bác thông tin Trung Quốc điều động quân đến Tây Tạng. Ảnh: India TV
Thực tế, các thông tin trên được xem là chiến lược của Trung Quốc nhằm gây áp lực tâm lý buộc Ấn Độ rút quân khỏi cao nguyên Doklam thuộc lãnh thổ Bhutan, nơi binh sĩ hai nước đối đầu hơn một tháng qua.
Các nguồn tin của Ấn Độ cho biết PLA không thực hiện bất cứ hoạt động quân sự nào ở phía Nam Tsangpo tại Tây Tạng cho đến nay mặc dù quân đội hai bên không rời khỏi vị trí trên cao nguyên Doklam. Thêm vào đó, cũng không có cuộc tập trận bất thường nào gần đây ở Tây Tạng. Một nguồn tin nói rằng: "Đó chỉ là cuộc tập trận thường niên diễn ra gần Lhasa vào đầu tháng 6, cách biên giới khoảng 700 km. PLA đã tiến hành các cuộc tập trận ở Tây Tạng từ năm 2009".
Trước đó, tờ PLA Daily (Trung Quốc) cho biết quá trình vận chuyển thiết bị quân sự đến phía Bắc Tây Tạng diễn ra vào cuối tháng trước và vũ khí được chuyển đồng thời bằng đường bộ và đường sắt.
Theo PLA Daily, PLA chỉ cần 6-7 giờ đồng hồ để chuyển hàng chục ngàn tấn thiết bị quân sự từ miền Bắc Tây Tạng - nơi phần lớn thiết bị được lưu giữ - đến biên giới Sikkim do mạng lưới vận tải thuận lợi. Còn báo People's Daily cho rằng việc vận chuyển một lượng lớn thiết bị quân sự và y tế đến dãy núi Côn Lôn ở miền Bắc Tây Tạng là một phần của cuộc diễn tập bắn đạn thật.
Theo People's Daily, mặc dù Ấn Độ có nhiều binh lính đóng rải rác khắp khu vực tranh chấp nhưng việc triển khai quân đội nhanh chóng, vũ khí mạnh mẽ và hỗ trợ hậu cần tiên tiến của Trung Quốc giúp nước này chiếm ưu thế hơn Ấn Độ.
Các chuyên gia độc lập cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy cuộc xung đột biên giới là hành động phản ứng trước sự phát triển của kinh tế Ấn Độ, đồng thời mong muốn kiểm soát sự tăng trưởng này thông qua hành động can thiệp quân sự.
Bình luận (0)