Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc hôm 8-2 xác nhận một công dân nước này đã tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Nạn nhân là một phụ nữ 60 tuổi, qua đời tại Bệnh viện Jinyintan ở TP Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc hôm 6-2. Theo báo The Guardian, đây được xem là công dân Mỹ đầu tiên tử vong vì nCoV.
Thông tin trên xuất hiện không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington sẽ dành ra 100 triệu USD để giúp Trung Quốc và những nước khác bị ảnh hưởng bởi nCoV chống lại dịch bệnh này. Theo hãng tin Reuters, Mỹ cũng đã gửi gần 17,8 tấn thiết bị y tế đến Trung Quốc, trong đó có khẩu trang, quần áo bảo hộ và các thiết bị y tế khác.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 8-2 dẫn nguồn tin nhà chức trách y tế Trung Quốc cho biết một công dân nước này đã tử vong vì viêm phổi tại một bệnh viện ở TP Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh. Người đàn ông trong độ tuổi 60 bị nghi nhiễm nCov nhưng do khó khăn trong quá trình chẩn đoán nên nguyên nhân gây tử vong được đưa ra là viêm phổi do virus. Nếu được xác nhận, đây sẽ là công dân Nhật Bản đầu tiên tử vong vì nCoV.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bắc Kinh, 19 người nước ngoài bị nhiễm nCoV tại nước này, trong đó 2 người xuất viện. Những người còn lại đang được điều trị trong tình trạng cách ly.
Một bệnh nhân nhiễm nCoV được chăm sóc tại một bệnh viện ở TP Vũ Hán hôm 8-2 Ảnh: Reuters
Trong lúc này, Bắc Kinh đã phái 2 quan chức cấp cao đến TP Vũ Hán để tham gia nỗ lực kiểm soát dịch nCoV. Theo truyền thông Trung Quốc hôm 8-2, hai quan chức này - ông Weng Hesheng, Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc và ông Chen Yixin, từng là Bí thư Thành ủy Vũ Hán - sẽ tham gia nhóm công tác của chính phủ do Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đứng đầu.
Cùng ngày, bệnh viện dã chiến Leishenshan với 1.500 giường bệnh đã đi vào hoạt động tại TP Vũ Hán trong bối cảnh dịch bệnh chưa cho thấy dấu hiệu bớt lây lan. Theo dữ liệu của Bắc Kinh, số lượng ca nhiễm nCoV mới tại Trung Quốc đại lục hôm 7-2 là 3.399, cao hơn con số của một ngày trước đó. Con số này khiến tổng số ca nhiễm nCoV trên thế giới tăng lên ít nhất 34.889 trong lúc có 2.152 người khỏi bệnh.
Trong khi đó, số người tử vong vì nCoV trên thế giới đã tăng lên 724 sau khi có thêm 86 trường hợp mới được ghi nhận ở Trung Quốc đại lục ngày 7-2. Theo báo The Guardian, đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Với 722 người tử vong cho đến giờ tại Trung Quốc đại lục, nCoV đã gây ra nhiều thương vong hơn cả virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), khiến gần 650 người tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tử vong trong giai đoạn 2002-2003.
Đã có 1 trường hợp tử vong vì nCoV được ghi nhận tại Hồng Kông đến giờ. Trong nỗ lực ngăn tình hình thêm xấu đi, nhà chức trách đặc khu hành chính này hôm 8-2 bắt đầu áp dụng các quy định mới về việc cách ly bắt buộc nhằm đối phó với dịch nCoV. Cụ thể, bất kỳ ai từ Trung Quốc đại lục đến Hồng Kông sẽ bị cách ly và giám sát y tế trong 14 ngày. Những người nào vi phạm sẽ bị xử phạt và đối mặt án tù lên đến 6 tháng.
Bài toán khẩu trang
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 8-2 cho biết nhu cầu về khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ tăng gấp 100 lần trong khi giá cả bị đẩy lên 20 lần, từ đó làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung trên toàn cầu. Ông Tedros cảnh báo tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi những người không phải nhân viên y tế mua đồ bảo hộ vì mục đích sử dụng cá nhân.
Theo hãng tin Reuters, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi tinh thần đoàn kết trước khả năng xảy ra những hành vi xấu như tích trữ để bán lại với giá cao hơn. Cũng theo ông Tedros, các nhân viên y tế tuyến đầu tại Trung Quốc rất cần các trang thiết bị bảo hộ như vậy. Ông Tedros cũng đã trao đổi với các nhà sản xuất và nhà phân phối để bảo đảm nguồn cung trang thiết bị y tế cho những người cần nhất, trong đó ưu tiên hàng đầu là nhân viên y tế, bệnh nhân và những người chăm sóc họ.
Trước đó một ngày, WHO cho biết các phân tích ban đầu về 17.000 ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc cho thấy có 82% trường hợp được xem là nhẹ, 15% nặng và 3% nguy kịch. Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia của WHO, cho biết thêm tỉ lệ người nhiễm nCoV bị tử vong hiện chiếm chưa đến 2% tổng số ca. "Chúng tôi biết rằng bệnh nhân cao tuổi hơn có nguy cơ tử vong cao hơn và những người có các chứng bệnh khác có nguy cơ cao hơn" - bà Van Kerkhove đánh giá.
Xuân Mai
Bình luận (0)