Trung Quốc đang tiến gần hơn việc thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới với quyền lực sâu rộng hơn sau khi nhà chức trách thông báo mở rộng thí điểm hệ thống giám sát quốc gia.
Hệ thống này chỉ mới được thử nghiệm tại 2 tỉnh Sơn Tây, Chiết Giang và thủ đô Bắc Kinh từ tháng 1-2017 và sắp tới sẽ được mở rộng đến tất cả tỉnh, thành và khu tự trị khắp nước. Theo Tân Hoa Xã ngày 29-10, điều này đòi hỏi việc thành lập các ủy ban giám sát cấp tỉnh, thành phố và quận, huyện vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới sau khi được hội đồng nhân dân địa phương thông qua.
Những ủy ban giám sát mới sẽ chia sẻ nơi làm việc và công việc với các ủy ban kiểm tra kỷ luật địa phương của đảng. Đáng chú ý, ủy ban giám sát sẽ mở rộng phạm vi chiến dịch chống tham nhũng tới cả những viên chức không phải đảng viên tại các tổ chức nhà nước.
Theo báo cáo công tác được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) trình lên Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vào tuần rồi, quốc hội vào tháng 3-2018 có thể thông qua dự luật giám sát quốc gia và thành lập một ủy ban quốc gia mới để giám sát việc mở rộng chiến dịch chống tham nhũng trong CPC và chính phủ do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Báo cáo cho biết Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) mới sẽ chia sẻ trách nhiệm và tổ chức với CCDI nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Tuy nhiên, theo một thông báo hồi năm ngoái, NSC sẽ phối hợp với CCDI sử dụng chung một phần đáng kể quyền lực cũng như nguồn lực của cơ quan này, đồng thời sáp nhập nhiều đơn vị chống tham nhũng khác.
Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ CCDI khóa 19 tại Bắc Kinh hôm 29-10 Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tờ South China Morning Post cho biết CCDI hiện mới "soi" các đảng viên nhưng NSC một khi ra đời sẽ giám sát mọi cơ quan và nhân viên nhà nước. Ngoài ra, các nhân viên giám sát trong tương lai được phép thẩm vấn nghi phạm tham nhũng và lục soát nhà cửa, tài sản của họ trước khi vụ việc được giao cho phía tư pháp.
Ông Zhuang Deshui, một chuyên gia về chống tham nhũng tại Trường ĐH Bắc Kinh, cho rằng CPC hy vọng sẽ bài trừ tham nhũng hiệu quả hơn bằng cách kết hợp nhiều cơ quan khác nhau vào NSC. Bắc Kinh cho biết thêm hệ thống mới sẽ có sự giám sát nhiều hơn của cơ quan cảnh sát và tư pháp đối với các cuộc điều tra tham nhũng.
Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ CCDI khóa 19 hôm 29-10, ông Triệu Lạc Tế, tân Chủ nhiệm CCDI, cho rằng cơ quan này phải đạt được "thắng lợi bao trùm" trong cuộc chiến chống tham nhũng, và thành lập một khung pháp lý được thể chế hóa để các quan chức không cách nào có thể tham nhũng được. Theo thống kê, gần 1,4 triệu đảng viên đã bị kết án tù hoặc kỷ luật kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012 và phát động chiến dịch chống tham nhũng. Trong bài diễn văn tại đại hội 19 vừa qua, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục đà tiến "không thể đảo ngược" của chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi".
Tuy nhiên, báo cáo trên của CCDI cảnh báo CPC vẫn đang đối mặt cuộc chiến chống tham nhũng "khốc liệt, phức tạp" dù đạt được tiến triển đáng kể trong 5 năm qua. Theo báo cáo, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 56 quan chức từ cấp tỉnh trở lên bị điều tra và trừng phạt. Ngoài ra, trong 5 năm qua, đã có 43 ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương CPC khóa 18, cũng như 9 ủy viên CCDI khóa 18, bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng.
Bình luận (0)