Thông tin về cuộc thí nghiệm gây tranh cãi và chưa được kiểm chứng nói trên đã được giới truyền thông đưa tin, với chính sự công bố của tác giả He Jiankui qua các video đăng trên trang YouTube đầu tuần này.
Nhóm hơn 120 nhà khoa học Trung Quốc lập tức ký tên vào một lá thư, trong đó gọi công trình trên là "điên rồ" và giáng một đòn mạnh vào "danh tiếng toàn cầu" của ngành khoa học nước nhà. Để trấn an dư luận, Ủy ban Sức khỏe quốc gia Trung Quốc ra lệnh lập tức điều tra thí nghiệm trên.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Miền Nam ở TP Thâm Quyến, nơi ông He làm việc, cũng có bước đi tương tự đối với vụ việc dường như đã "vi phạm nghiêm trọng đạo đức và quy tắc ứng xử" của trường.
Ông He Jiankui Ảnh: YOUTUBE
Trong một loạt video đăng tải trên mạng, ông He cho biết thí nghiệm của ông đã thành công và việc chỉnh sửa gien không gây ra những thay đổi ngoài ý muốn đối với ADN của 2 đứa trẻ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không tin vào khẳng định này, đồng thời nhấn mạnh không thể biết được việc chỉnh sửa gien sẽ tác động thế nào đối với con cái của Nana và Lulu sau này.
Theo báo The Washington Post, việc chỉnh sửa ADN của phôi người không chỉ thay đổi gien của một cá nhân mà còn cả con cái của họ, nếu có. Trên thực tế, hành vi này có thể thay đổi nhân loại. "Vụ việc cho thấy giờ là lúc nói về vấn đề đạo đức của chỉnh sửa gien vì thế giới có thể không đợi được nữa" - ông Insoo Hyun, nhà đạo đức sinh vật học tại Trường ĐH Case Western Reserve (Mỹ), thúc giục.
Ông He cũng xoa dịu chỉ trích khi nói ông không phải là kiểu nhà khoa học sử dụng khinh suất công nghệ chỉnh sửa gien để tạo ra em bé theo yêu cầu. "Chỉ nên chỉnh sửa gien để chữa trị bệnh tật. Nâng cao chỉ số thông minh, lựa chọn màu tóc hoặc màu mắt không phải là những gì mà các bậc cha mẹ yêu con cái muốn làm. Điều này nên bị cấm" - ông cho biết.
Bình luận (0)