Các cơ quan tình báo Trung Quốc đã cố gắng xâm nhập tài khoản e-mail của giới chức cấp cao Đức ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi) ở Saint Petersburg - Nga hồi tháng 9-2013.
Tạp chí Der Spiegel (Đức) hôm 16-2 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các thành viên cấp cao của vài bộ và ngân hàng Liên bang Đức đã nhận được e-mail nhiễm virus với nội dung giả mạo cuộc thảo luận giữa các quan chức cấp cao chuẩn bị G20. Theo kết luận của Văn phòng Bảo vệ hiến pháp Liên bang Đức, virus trên được lập trình để gửi thông tin tới Trung Quốc nhưng không nói rõ những ngân hàng và bộ nào là mục tiêu bị tấn công.
Một phát ngôn viên chính phủ cũng xác nhận với tờ báo rằng tin tặc đã cố gắng “phá hoại hệ thống bảo mật thông tin của phủ thủ tướng Đức” dù không nói rõ xuất xứ của kẻ tấn công. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đến giờ vẫn chưa có phản ứng. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường kịch liệt bác bỏ các thông tin tương tự trước đây.
Một phiên họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Saint Petersburg - Nga vào tháng 9-2013
Ảnh: AP
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc bị tố có liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào nước ngoài. Hồi tháng 12-2013, công ty an ninh mạng FireEye khẳng định bộ ngoại giao của 5 nước châu Âu đã bị tin tặc Trung Quốc “hỏi thăm” bằng e-mail nhiễm virus hồi tháng 8-2013, tức không lâu trước hội nghị G20 nói trên. Báo cáo không nói rõ những nước nào bị tấn công cũng như động cơ của tin tặc.
Đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng từ các vụ tấn công mạng hoặc hoạt động do thám bên ngoài, chính phủ Đức có kế hoạch mở rộng hoạt động phản gián nhằm vào cả những “nước thân thiện”, trong đó có Mỹ.
Tạp chí Der Spiegel hôm 16-2 tiết lộ cơ quan tình báo nội địa BfV và cơ quan tình báo quân sự MAD của Đức đã có những chuẩn bị về mặt kỹ thuật để tăng cường khả năng phản gián với mục tiêu là các đại sứ quán, lãnh sự quán của nước ngoài.
Theo các nguồn tin an ninh Đức, hoạt động phản gián của nước này lâu nay chỉ tập trung vào các cơ quan tình báo Nga, Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên. Giám sát các nước đồng minh như Mỹ, Pháp, Anh bị xem là điều cấm kỵ.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi xuất hiện thông tin Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel hồi năm ngoái. Một trong những nguyên nhân nữa khiến Đức có ý định mở rộng chương trình phản gián là giữa Đức và Mỹ vẫn chưa ký kết một thỏa thuận không do thám nhau.
Tạp chí Der Speigel nói thêm vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra đối với kế hoạch trên bởi Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và Phủ Thủ tướng Đức vẫn đang thảo luận.
Bình luận (0)