Nguồn tin trên tiết lộ với hãng Kyodo News rằng Trung Quốc lo ngại PCA sẽ ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của nước này ở biển Đông, qua đó xác định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh “không dựa trên luật pháp quốc tế”.
Như vậy, phán quyết của PCA có thể gây ảnh hưởng đến sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Bắc Kinh đã bắn tiếng cho các nhà ngoại giao ASEAN về việc họ sẽ đơn phương rút khỏi UNCLOS – được xem như “Hiến pháp của đại dương” - nếu tòa trọng tài The Hague ra phán quyết như vậy. Trong khi đó, nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết của PCA sẽ không có lợi đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh tham gia UNCLOS vào năm 1996. Trước đó, nước này khẳng định sẽ không chấp nhận cũng như không tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài.
Bắc Kinh còn chỉ trích Manila “tự ý” nộp đơn kiện lên PCA, phá vỡ thỏa thuận giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương. Trung Quốc cũng lớn tiếng cho rằng PCA không có thẩm quyền phụ trách trường hợp này và kiên quyết không gửi phái đoàn tới các phiên điều trần ở Hà Lan.
Tuy nhiên, vụ kiện của Philippines được nhiều quốc gia ủng hộ, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Tất cả đều xem đây là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết những bất đồng, giảm bớt căng thẳng một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Dù không liên quan đến tranh chấp ở biển Đông nhưng Mỹ vẫn yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới của PCA nếu muốn trở thành “một nước lớn có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế”. Washington tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông, qua đó thách thức các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại vùng biển này.
Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington không phải là nước ký kết UNCLOS nên không được tham gia vụ kiện. Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ và đồng minh đang lợi dụng tình hình căng thẳng ở biển Đông để can thiệp và kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của mình.
Bình luận (0)