Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC đăng tải ngày 29-8, chuyên gia cấp cao thuộc Hội đồng Atlantic (Mỹ) Robert Manning nhận định: "Bắc Kinh biết rõ Bình Nhưỡng đã thực sự thay đổi cuộcchơi bằng vụ thử tên lửa ngày 29-8 cũng như gây nhiều nguy cơ hơn".
"Hiện tại, không có gì để bào chữa cho việc làm ăn với Triều Tiên. Nếu người Trung Quốc không ngừng hoạt động kinh doanh với láng giềng, điều đó chứng tỏ họ không nghiêm túc" – ông Manning nói thêm.
Hơn 2/3 giao dịch nước ngoài của Triều Tiên đến từ nước láng giềng Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể hành động nhiều hơn để giảm các hoạt động kinh tế với Bình Nhưỡng. Đầu năm nay, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên. Hôm 25-8, Bộ Thương mại Trung Quốc cấm các cá nhân và doanh nghiệp Triều Tiên kinh doanh ở đại lục.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, Bắc Kinh vẫn chưa siết chặt các biện pháp hạn chế đối với Bình Nhưỡng. Ông Anwita Basu, chuyên gia phân tích về Indonesia, Philippines và Triều Tiên của Tổ chức Tình báo kinh tế (EIU, trụ sở tại Anh), cho biết: "Trung Quốc không đồng ý với lệnh trừng phạt Triều Tiên vì họ không muốn làm mất ổn định bên nước láng giềng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: REUTERS
Bắc Kinh muốn duy trì tình trạng như bây giờ bất chấp những căng thẳng chưa được giải quyết xoay quanh Triều Tiên và mối đe doạ hạt nhân, một phần là do sự sụp đổ của chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đẩy làn sóng người tị nạn tràn vào vùng Đông Bắc Trung Quốc, đồng thời có khả năng kéo Mỹ hoặc Hàn Quốc tới gần biên giới nước này.
Theo CNBC, giữ cho Triều Tiên ổn định là mục tiêu đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc vì Bắc Kinh sắp tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIX vào mùa thu này.
Trước đó, sau vụ Triều Tiên phóng một quả tên lửa đạn đạo vượt qua không phận Nhật Bản sáng 29-8 (giờ địa phương), kênh truyền hình NHK đưa tin hệ thống phòng thủ tên lửa của Tokyo chỉ "đứng nhìn" mà không can thiệp cho tới khi tên lửa vỡ thành 3 mảnh và rơi xuống biển.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Triều Tiên và các bên liên quan kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán. Ngược lại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án vụ thử nghiệm là hành động "liều lĩnh, mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng xảy ra". Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố Washington đang xem xét tất cả lựa chọn chống lại Bình Nhưỡng.
Bình luận (0)