Trong một cơ sở quân sự bí mật ở Tây Nam Trung Quốc, một siêu máy tính mô phỏng sức nóng và lực cản của các tên lửa siêu thanh có thể nhằm vào tàu sân bay Mỹ được trang bị những con chip do công ty Trung Quốc có tên là Phytium Technology thiết kế. Những con chip này sử dụng phần mềm của Mỹ và được chế tạo tại nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới ở Đài Loan.
Theo báo The Washington Post, Phytium Technology tự mô tả mình là một công ty thương mại có tham vọng trở thành một gã khổng lồ về chip toàn cầu như Tập đoàn công nghệ Intel của Mỹ. Phytium Technology không công khai các mối liên hệ của công ty với các nhóm nghiên cứu của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tên lửa siêu thanh DF-17 diễu hành ở Bắc Kinh vào ngày 1-10-2019. Ảnh: PLA
Theo các tài liệu công khai, cơ sở thử nghiệm siêu thanh được đặt tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc (CARDC). CARDC được cho là che giấu quan hệ với quân đội Trung Quốc dù được điều hành bởi một thiếu tướng PLA.
Quan hệ đối tác của Phytium Technology với CARDC là ví dụ điển hình về cách Trung Quốc đang âm thầm khai thác các công nghệ dân sự cho các mục đích quân sự chiến lược với sự trợ giúp của công nghệ Mỹ.
Tờ The Washington Post cho rằng thương mại là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và rất khó quản lý, vì cùng con chip máy tính vừa có thể được sử dụng cho một trung tâm dữ liệu thương mại vừa có thể trang bị cho một siêu máy tính quân sự.
Cuối năm 2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump từng có ý định đưa Phytium Technology và một số công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen xuất khẩu. Các cựu quan chức Mỹ cho biết mục đích là nhằm ngăn chặn công nghệ Mỹ chảy sang các công ty này, làm chậm chương trình vũ khí siêu thanh và các vũ khí tinh vi khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump không kịp làm điều đó.
Tên lửa DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Các công ty Mỹ cho rằng việc chính quyền liên bang kiểm soát xuất khẩu làm tổn hại đến lợi nhuận của họ. Trong khi hành động đó lại khuyến khích Trung Quốc chuyển hoạt động kinh doanh sang địa phương khác và phát triển các ngành công nghiệp riêng.
Không ít nhà phân tích lưu ý chính sách của Mỹ rất rõ ràng. Công nghệ của Mỹ không nên hỗ trợ quân đội Trung Quốc và các thua lỗ này đáng giá nếu giúp hạn chế các tiến bộ của quân đội Trung Quốc trong tương lai.
Vụ việc liên quan tới Phytium Technology phần nào cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Đài Loan. Đài Loan dựa vào Mỹ để tăng cường năng lực phòng vệ trước khả năng Trung Quốc tấn công. Tuy nhiên, các công ty Đài Loan cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vốn chiếm 35% thương mại của Đài Loan. Khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng, càng có thêm nhiều câu hỏi đặt ra về giới hạn đối với các công ty Mỹ và Đài Loan làm ăn với Trung Quốc.
Tờ The Washington Post nhiều lần liên hệ với Phytium Technology về thông tin nêu trên nhưng không nhận được phản hồi.
Bình luận (0)