Đó là kết quả của cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) tiến hành rộng rãi tại 44 nước, thu hút 48.600 người tham gia. Ngày 14-7, Pew công bố hơn một nửa trong số 11 quốc gia châu Á được thăm dò lo ngại xung đột quân sự sẽ bùng phát do căng thẳng lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Tỉ lệ cho rằng sẽ có xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Philippines là 93%, với Nhật Bản là 85%, với Việt Nam là 83% và với Hàn Quốc là 83%.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đều xem Trung Quốc là đe dọa lớn nhất, trong khi Bắc Kinh xem Washington là nguy cơ hàng đầu.
Trong số công dân của 44 nước được khảo sát, 40% tin rằng Mỹ là siêu cường số 1, giảm so với tỉ lệ 49% vào năm 2008. Tỉ lệ người xem Trung Quốc là siêu cường hàng đầu tăng từ 19% của 6 năm trước lên 31% hiện nay. 50% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ thay thế Mỹ trong khi chỉ 32% lắc đầu.
Xe thiết giáp đổ bộ của Mỹ tham gia tập trận CARAT 2014 ở tỉnh Zambales, miền Bắc Philippines, hồi tháng 6
Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, hãng tin Reuters đưa tin trong cuộc điện đàm ngày 14-7 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn những bất đồng giữa 2 nước được kiểm soát một cách hiệu quả và mang tính xây dựng.
Nhưng chỉ một ngày sau, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu Washington đứng ngoài tranh chấp trên biển Đông và để các bên liên quan tự giải quyết sau khi Mỹ cho rằng cần “đóng băng” các hành động gây căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược đòi hỏi những quốc gia đang “chiếm đóng trái phép” các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngay lập tức rút người và trang thiết bị. “Những năm gần đây, một số nước đã gia tăng sự hiện diện trái phép thông qua xây dựng và tăng cường quân sự” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc vu vạ mà quên rằng chính nước này đang cải tạo hàng loạt bãi đá thuộc Trường Sa, thậm chí có kế hoạch xây đảo nhân tạo gần bãi đá Chữ Thập, để củng cố tham vọng độc chiếm biển Đông.
Chính sự hung hăng lấn lướt của Trung Quốc góp phần đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào tình trạng xấu nhất kể từ năm 1989 bất chấp những lời lẽ thiện chí trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED) tuần trước, theo nhận định của tạp chí National Interest.
“Không bên nào thay đổi được ý kiến của bên kia về các vấn đề quan trọng lẫn các định hướng chiến lược” - tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Tôn Triết, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung của Trường ĐH Thanh Hoa.
Chuyên gia này nhận định những xích mích giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không leo thang thành cuộc chạm trán lớn nhưng sự ngờ vực gia tăng sẽ khiến Mỹ tăng cường sự ủng hộ các đồng minh quân sự ở châu Á. Ông Tôn nhấn mạnh biển Đông là mối nguy tiềm ẩn khi cả 2 siêu cường cùng khẳng định sự can dự của mình ở đây.
Bình luận (0)