Một nguồn tin quân sự Ai Cập xác nhận Trung Quốc đã đề nghị bán tàu ngầm cho Ai Cập với giá cả thấp hơn.
“Chúng tôi đang điều nghiên lời đề nghị đó. Đây không phải là một quyết định dễ dàng” - nguồn tin trên nhấn mạnh. Người phát ngôn quân đội Ai Cập cho biết ông chưa có trong tay tài liệu chính thức nào về vấn đề này, còn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối đưa ra lời bình luận.
Trước đây, Cairo muốn mua thêm 2 tàu ngầm sau khi đã đặt hàng 2 chiếc với công ty của Đức hồi năm 2011 và sẽ được giao vào năm 2017.
Ai Cập và nhà sản xuất tàu ngầm Đức đã và đang đàm phán về thương vụ này. Về phần mình, Bộ Kinh tế Đức cho biết đã cho phép đóng thêm 2 chiếc tàu ngầm cho Ai Cập.
Thực ra, Trung Quốc và Ai Cập từ lâu đã có mối quan hệ hữu nghị; Trung Quốc đã cung cấp cho Ai Cập 4 tàu ngầm điện diesel vào những năm 1980.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 12-2014, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi bày tỏ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông muốn hợp tác nhiều hơn về quân sự và an ninh với Trung Quốc.
Chủ tịch Tập cũng đưa ra những lời bình luận tương tự khi nhà lãnh đạo Ai Cập đến Bắc Kinh tham dự cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc thế chiến thứ II trong tháng 9 này. Ngoài ra, cũng trong tháng này, tàu chiến của hải quân Trung Quốc và Ai Cập đã tập trận chung.
Các nguồn tin công nghiệp nhận định Bắc Kinh đã sử dụng chiêu bán tàu ngầm giá rẻ hơn so với các nhà chế tạo phương Tây và chào mời các điều khoản tín dụng xuất khẩu hấp dẫn cho các thương vụ ở châu Á. Với chiêu thức này, Trung Quốc đã ký được các hợp đồng với Pakistan và Bangladesh.
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) hồi tháng 3 năm nay tuyên bố Trung Quốc đã chiếm lấy vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba trên thế giới của Đức, mặc dù 70% số vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc được đưa sang Pakistan, Bangladesh và Myanmar.
Các chuyên gia an ninh đoan chắc rằng Trung Quốc chủ yếu đem bán phiên bản tàu ngầm lớp Song trên thị trường quốc tế - đây là loại tàu ngầm tấn công điện diesel hiện đại, kết hợp các hệ thống của Trung Quốc với Đức và Pháp.
Còn loại tàu ngầm lớn hơn và mới hơn lớp Yuan được lắp đặt hệ thống đẩy bằng luồng khí độc lập do Trung Quốc thiết kế, nên không cần phải trồi lên mặt nước thường xuyên như các loại tàu ngầm diesel khác. Một số chuyên gia đặt vấn đề liệu hệ thống đẩy của Trung Quốc có hiệu quả đến đâu và chúng có theo kịp các tàu ngầm của Đức hay không.
Tuy nhiên, ông Richard Bitzinger, chuyên gia an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu quốc tế ở Singapore, cho rằng Trung Quốc có thể không có những tàu ngầm tốt nhất trên thị trường nhưng giá cả là vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển như Ai Cập.
Bình luận (0)