Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ nào trước sức ép của Đông Nam Á nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang nóng trên biển Đông. Ông chỉ đơn giản lặp lại lời kêu gọi đối thoại.
trước một cuộc gặp hôm 2-10 Ảnh: AP
Vấn đề này chắc chắn bao phủ 2 cuộc gặp thượng đỉnh của khu vực vào tuần tới mà ông Tập Cận Bình sẽ tham dự. Trong khi ông Tập đến Đông Nam Á, bao gồm việc ký kết các thỏa thuận nhiều tỉ USD với Indonesia, Tổng thống Barack Obama lại phải hủy các chuyến công du đến Philippines và Malaysia vì một lý do cả thế giới đều biết: Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Cuộc khủng hoảng tại Mỹ cũng đặt ra mối nghi ngờ về khả năng ông Obama tham dự 2 cuộc gặp quan trọng vào thời điểm Washington đang quảng bá chiến lược của nước này với nhiều điểm nhấn hơn trong quan hệ Mỹ - châu Á.
“Đối với những bất đồng và tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, cụ thể về chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải, cả 2 bên phải luôn ủng hộ sử dụng các biện pháp hòa bình để duy trì quan hệ đa phương rộng thoáng và sự ổn định khu vực” - ông Tập nói với các nghị sĩ trong ngày thứ 2 và cũng là ngày cuối trong chuyến thăm quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này.
Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh “sự phát triển của Trung Quốc là sức mạnh vì hòa bình và hữu nghị trên thế giới, mang lại cơ hội phát triển cho châu Á và toàn cầu, không phải là mối đe dọa”.
Thế nhưng, tháng trước, Philippines tố cáo Trung quốc vi phạm quy tắc ứng xử trên biển Đông, liên quan đến một số tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp và quan trọng nhất thế giới, bằng cách hoạch định những công trình xây dựng trên các bãi ngầm đang tranh chấp. Tranh cãi tập trung vào mối quan ngại rằng việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh hải quân để tăng trọng lượng cho những tuyên bố chủ quyền vô lý đối với nhiều trong số các khu vực giàu dầu khí trên biển có thể làm bùng nổ xung đột quân sự.
Bốn trong số 10 thành viên thuộc khối ASEAN, bao gồm Việt Nam và Philippines nhưng không có Indonesia, đang có yêu sách chủ quyền trên biển Đông và thỉnh thoảng nổ ra những tranh cãi với Trung Quốc. Indonesia đề nghị đảm nhận vai trò trung gian nhưng trong quá khứ, Jakarta từng chỉ trích Trung Quốc vì không tỏ ra kiềm chế hơn trong các vụ tranh chấp.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra vào thứ ba tới tại một địa điểm nghỉ mát trên đảo Bali - Indonesia. Sau đó, ông Tập Cận Bình và một số nhà lãnh đạo khác sẽ bay đến Brunei dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
“Những gì tôi muốn nghe từ Chủ tịch Tập Cận Bình là liệu Trung Quốc có thiện chí để giải quyết vấn đề biển Đông hay không. Thế nhưng, ông ấy chẳng nói gì về chuyện đó và tôi cảm thấy thất vọng” - nhà lập pháp Tantowi Yahya nói. Theo hãng tin Reuters, chỉ khoảng 1/3 số thành viên quốc hội Indonesia chăm chú theo dõi bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Với chuyến thăm Indonesia, ông Tập Cận Bình muốn nâng quan hệ đối với khu vực và hy vọng trao đổi thương mại với ASEAN sẽ đạt tới 1.000 tỉ USD vào năm 2020. Trung Quốc là đối tác buôn bán lớn nhất của Indonesia, sau Nhật Bản. Trong chuyến thăm của ông Tập, 2 bên hy vọng hoàn tất một số lượng lớn thỏa thuận, chủ yếu trong lĩnh vực khai mỏ, với trị giá hơn 30 tỉ USD.
Theo báo Inquirer, Tổng thống Philippines sẽ gặp lãnh đạo 9 quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tuần tới tại Brunei. Thế nhưng, không có cuộc hội đàm song phương nào với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh Manila đang cáo buộc Bắc Kinh chiếm bất hợp pháp bãi cạn Scarborough và dòm ngó bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). |
Bình luận (0)