Vụ ngư dân Đài Loan Hồng Thạch Thành bị tuần duyên Philippines bắn chết ngày 9-5 làm dấy lên những lời kêu gọi hai bên bờ eo biển Đài Loan hợp tác để gây áp lực lên Philippines. Theo hãng tin tức tình báo Stratfor, một cuộc khảo sát thực hiện sau vụ ngư dân bị bắn cho thấy khoảng 69% người Đài Loan ủng hộ hợp tác gần gũi hơn với Trung Quốc để đối phó với Philippines trong các tranh chấp trên biển.
Tuy nhiên, cả hai bên đều biết rõ hành động như trên sẽ buộc họ đối mặt với chính sách “một Trung Quốc” nhạy cảm và có thể gây ra phản ứng dữ dội, ít nhất là cho chính quyền của người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu. Ông Mã vốn đã bị chỉ trích là quá thân thiện với Bắc Kinh và khiến Đài Loan phụ thuộc kinh tế vào đại lục.
Người dân Đài Loan biểu tình trước Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Manila,
đại sứ quán trên thực tế của Philippines ở Đài Bắc, ngày 13-5. Ảnh: Reuters
Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ tận dụng vụ này để nhấn mạnh chủ quyền đối với Đài Bắc. Bắc Kinh đã lên tiếng ủng hộ Đài Bắc thông qua tuyên bố ngày 15-5 của người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan, ông Yang Yi, rằng “bảo vệ an toàn và lợi ích của đồng bào Đài Loan và nghĩa vụ của (Trung Quốc) đại lục”. Nhưng nên "ra tay" hay chỉ "ra lời" là điều khó xử của Trung Quốc.
Giới phân tích của cả 2 bên thống nhất Bắc Kinh sẽ chỉ hành động - chẳng hạn tăng cường tuần tra biển Đông - nếu Đài Bắc mở lời yêu cầu. Nhưng Đài Loan sẽ không làm vậy, theo bà Chang Ling-chen, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan.
Bà Chang nhắc lại trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông khi Đài Loan lạnh lùng từ chối lời kêu gọi hợp tác của các nhà hoạt động đại lục. Hơn nữa, nếu Bắc Kinh ra mặt ép Philippines quá, Mỹ sẽ nhanh chóng “quan ngại” và cho rằng Trung Quốc đang làm căng thẳng leo thang.
Phản ứng của chính phủ Philippines những ngày qua cho thấy Manila cũng đang tận dụng điểm nhạy cảm của chính sách “một Trung Quốc”. Tổng thống Philippines Bengino Aquino chỉ giao cho Văn phòng Kinh tế và Văn hóa của Manila - cơ quan chịu trách nhiệm quan hệ với Đài Bắc - chuyển lời xin lỗi chứ không trực tiếp xin lỗi với lý do Manila không công nhận Đài Loan.
Nhà bình luận chính trị tại Đài Loan Wang Hsing-ching nhận định: “Sẽ rất mất mặt nếu Manila gửi lời xin lỗi đến Bắc Kinh thay vì Đài Bắc và điều này có thể chuyển đi thông điệp Đài Loan chấp nhận chính sách một Trung Quốc. Như vậy, Đài Loan sẽ khó đàm phán với Philippines trên mọi lĩnh vực”.
Bình luận (0)