Khi Không quân Mỹ muốn tăng cường kỹ năng của các robot quân sự, họ tìm đến một công ty khởi nghiệp có tên Neurala, đặt trụ sở tại TP Boston và hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Không tiếc tiền
Thế nhưng, khi Neurala cần tiền đầu tư, công ty này lại không nhận được sự hỗ trợ từ quân đội Mỹ. Cuối cùng, công ty non trẻ quay sang “gõ cửa” Trung Quốc và nhanh chóng nhận được một khoản đầu tư từ Công ty Haiyin Capital thuộc tập đoàn nhà nước Everbright của Trung Quốc.
Theo báo The New York Times, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thuộc sở hữu công ty nhà nước hoặc có mối liên hệ với Bắc Kinh như Haiyin Capital đang trở thành nhà đầu tư quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp Mỹ trong những lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất. Trong số này có những công ty chuyên sản xuất động cơ tên lửa cho tàu vũ trụ, bộ cảm biến cho tàu chiến tự lái hoặc máy in có thể tạo ra loại màn hình linh hoạt sử dụng trong buồng lái chiến đấu cơ.
Những thương vụ nói trên bắt đầu gióng lên hồi chuông báo động tại Washington. Sách trắng mới của Bộ Quốc phòng Mỹ, được chuyển đến tay các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tuần rồi, chỉ rõ Bắc Kinh đang khuyến khích các doanh nghiệp thân chính phủ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Mỹ chuyên về những công nghệ tiên tiến như AI, robot… để nâng cao năng lực quân sự cũng như kinh tế Trung Quốc.
Những dữ liệu mới nhất từ Công ty Nghiên cứu CB Insights (Mỹ) phần nào lột tả cơn “khát” công nghệ của các doanh nghiệp thuộc nền kinh tế số 2 thế giới. Theo đó, Trung Quốc đã đổ 9,9 tỉ USD vào các công ty mới lập tại Thung lũng Silicon trong năm 2015, gấp 4 lần những năm trước đó. Trong 9 tháng đầu năm 2016, các khoản đầu tư loại này đạt mức 3,5 tỉ USD.
Ông Ken Wilcox, Chủ tịch danh dự của Ngân hàng Silicon Valley Bank - chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, cho biết trong 6 tháng qua, ông đã từ chối ít nhất 3 doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tiếp cận với mục đích trở thành chi nhánh của họ ở Bắc California. “Cả 3 công ty đều nói có sự ủy nhiệm của Bắc Kinh nhưng lại không biết họ muốn mua gì, chỉ là bất kỳ thứ gì có liên quan đến công nghệ” - ông Wilcox tiết lộ.
Điện tử linh hoạt
“Điều gây nhiều lo ngại là Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh quân sự. Làm sao bạn có thể đối phó với một đối thủ đang lấn sân vào chính thị trường sáng tạo nhất ngay trên sân nhà của mình” - ông James Lewis, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), cảnh báo.
Theo báo cáo gần đây của Công ty Nghiên cứu và Phân tích tình báo Defense Group Inc., các lãnh đạo và chiến lược gia quân sự Trung Quốc cho rằng quân đội Mỹ ngày càng phụ thuộc vào hệ thống không người lái nên cần thiết phải có biện pháp đối phó loại vũ khí này.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Trung Quốc còn tìm cách chen chân vào một ngành công nghiệp khác được gọi là “điện tử linh hoạt”. Công nghệ này vốn được Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Mỹ đánh giá là ưu tiên hàng đầu của quân đội nước này, có thể giúp các thiết bị điện tử nhẹ hơn và dễ dàng gắn vào bất kỳ thứ gì, từ quân phục cho đến máy bay. Năm 2016, công ty khởi nghiệp Kateeva ở Thung lũng Silicon chuyên sản xuất máy in linh hoạt đã nhận được 88 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc.
Nguy cơ của những thương vụ kiểu này rõ ràng là không nhỏ trong khi thực tế đã cho thấy không ít vụ doanh nhân Trung Quốc không từ thủ đoạn nào để đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ. Theo trang Defense News, 2 nhân vật giấu tên biết về nội dung bản Sách trắng trên cho hay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dưới thời Tổng thống Barack Obama đã chọn cựu giám đốc điều hành Mike Brown của Công ty An ninh mạng Symantec dẫn đầu một cuộc điều tra đối với các khoản đầu tư Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng như giới chức chính quyền Tổng thống Trump kêu gọi mở rộng quyền hạn cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) trong nỗ lực tăng cường kiểm soát những thương vụ thâu tóm công ty Mỹ của doanh nghiệp nước ngoài.
Bình luận (0)