Với số phiếu ủng hộ tuyệt đối, Hạ viện Mỹ hôm 3-12 lần đầu thông qua nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông.
Theo TTXVN, nghị quyết mang mã số H.Res-714 nói trên tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông.
Nghị quyết cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và vùng trời ở châu Á - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế, đồng thời lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế.
Nghị quyết kêu gọi ASEAN, các đồng minh, bạn bè của Mỹ và những nước có tranh chấp cùng nhau tìm giải pháp hòa bình, thông qua việc yêu cầu các bên thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tiến tới thiết lập một Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 11
Ảnh: Reuters
Động thái trên diễn ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Barack Obama tiếp tục bày tỏ quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc đối với một loạt vấn đề.
Phát biểu tại một hội nghị kinh doanh ở Washington hôm 3-12, ông Obama cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực nhanh hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào của nước này trước đây, gây ra những lo ngại về nhân quyền.
Đề cập việc tranh cãi về lãnh thổ giữa Bắc Kinh và một số nước láng giềng, nhà lãnh đạo Mỹ nhận định cách ông Tập Cận Bình sử dụng chủ nghĩa dân tộc khiến các nước láng giềng lo lắng.
Thêm vào đó, theo Reuters, ông Obama khẳng định việc Trung Quốc liên quan tới tội phạm mạng “là điều không thể tranh cãi” và Washington đang gây sức ép với Bắc Kinh về vấn đề này. Theo tổng thống Mỹ, bảo mật mạng là một trong những vấn đề mà Trung Quốc cần giải quyết nếu muốn 2 nước có mối quan hệ mang tính xây dựng và cùng có lợi.
Căng thẳng Mỹ - Trung còn đến từ sự tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần rồi nói đến “xu hướng tiến tới một thế giới đa cực” trong bài diễn văn quan trọng về chính sách đối ngoại trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn kêu gọi các nước từ bỏ “tư tưởng chiến tranh lạnh”.
Theo AP, đây được xem là những chỉ trích nhằm vào vai trò “siêu cường toàn cầu duy nhất” của Mỹ. Đáp trả lại hôm 2-12, ông Evan Medeiros - quan chức phụ trách chính sách châu Á của Nhà Trắng - nhấn mạnh nếu không có những liên minh do Washington đứng đầu, châu Á - Thái Bình Dương có thể còn bất ổn hơn.
Cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông cũng được Mỹ quan tâm. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel hôm 3-12 nhắc nhở Bắc Kinh đang bị thế giới theo dõi sát sao về cách đối phó cuộc biểu tình này. Phát biểu trước một ủy ban thượng viện, ông Russel nói Mỹ ủng hộ quyền tự do bầu chọn lãnh đạo của người dân Hồng Kông, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh rằng Washington đứng sau kích động.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, ứng viên tổng thống tiềm năng của Đảng Cộng hòa, còn đi xa hơn khi phê phán Trung Quốc đi ngược lại thỏa thuận với Anh trước khi Hồng Kông được trao trả năm 1997. Ông Rubio nhận định Bắc Kinh rõ ràng muốn một lãnh đạo Hồng Kông chịu “nghe lời” khi chỉ chấp nhận những ứng viên do một ủy ban thân Trung Quốc phê chuẩn.
Bình luận (0)