Căng thẳng mới này diễn ra trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc dự kiến nhóm họp từ ngày 28 đến 30-6 để chính thức thông qua luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể "phản đòn" ngay lập tức.
"Đối thoại cấp cao giữa hai nước gần như đi vào bế tắc nên tác động trực tiếp của hành động kiểm soát thị thực là không đáng kể. Hiện tại, nhu cầu đến Mỹ là không có và các nhà ngoại giao đã có hộ chiếu ngoại giao nên không bị ảnh hưởng. Nếu Trung Quốc quyết định đáp trả, họ không có nhiều lựa chọn. Họ có thể áp đặt một số hạn chế đối với nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông hoặc từ chối cho quân đội Mỹ ghé thăm Hồng Kông" - ông Cui Lei, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, giải thích với báo South China Morning Post (Hồng Kông).
Tấm áp phích giới thiệu luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc đối với Hồng Kông tại một trạm tàu cao tốc ở đặc khu hành chính này. Ảnh: EPA
Cũng theo ông Lei, thay đổi trong chính quyền Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới có thể ảnh hưởng đến lệnh hạn chế thị thực, vốn là một phần của Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được ban hành năm 2019. Theo đạo luật này, Tổng thống Mỹ có quyền cho phép miễn trừ các biện pháp trừng phạt dựa trên lợi ích quốc gia.
Trong khi đó, ông Wei Zongyou, nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Phúc Đán (Trung Quốc), lưu ý lệnh hạn chế thị thực của Mỹ là một phản ánh khác về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngược lại, chuyên gia Christopher McNally của Trường ĐH Chaminade (Mỹ), nhận định hạn chế nói trên chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng có thể ảnh hưởng đến những quan chức Trung Quốc nào có người thân đang du học ở Mỹ hoặc muốn đến Mỹ.
Bình luận (0)